Lợi ích của Australia gắn chặt với khu vực châu Á - Thái Bình Dương

05:30' - 26/09/2017
BNEWS Australia là một quốc gia với những đặc điểm chiến lược ngày càng chia rẽ, trong khi tư tưởng và khái niệm thuộc về phương Tây, vấn đề an ninh và kinh tế của nước này lại liên quan đến châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) tại lễ đón người đồng cấp Australia Marise Payn (phải) ở Washington, DC, Mỹ ngày 20/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà chiến lược Australia lo ngại rằng môi trường an ninh đang bước vào một giai đoạn chuyển tiếp lâu dài và đầy bất trắc: Chính sách ngoại giao không rõ ràng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tính ưu việt của quân đội Mỹ suy giảm cùng với một chiến lược châu Á - Thái Bình Dương không chắc chắn và việc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) mở rộng sự hiện diện ở khắp khu vực Đông Nam Á.
Những bất ổn này đã gây ra cuộc tranh luận dữ dội về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Australia, củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, tăng cường hợp tác an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore, hay tạo ra một “NATO phương Đông” mới.
Một số học giả người Australia tin rằng Camberra phải tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh với Washington để kiềm chế sự “hung hăng” ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Bằng cách tăng cường liên minh với Mỹ và can dự sâu rộng hơn vào khu vực thì Australia mới có thể khuyến khích một “nước Mỹ hiện thiếu quyết đoán” duy trì các cam kết của họ.
Ông Ross Babbage, một cựu quan chức quốc phòng cấp cao và là người sáng lập Tổ chức Kokoda có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Australia, từng kêu gọi Chính phủ Australia điều chỉnh lại hoàn toàn chiến lược quốc phòng của nước này để ngăn chặn (ảnh hưởng của) Trung Quốc.
Sách trắng Quốc phòng Australia năm 2013 có đoạn viết: “Chính phủ không tin rằng Australia phải lựa chọn giữa liên minh lâu đời với Mỹ và mối quan hệ mở rộng với Trung Quốc; Mỹ và Trung Quốc cũng không tin rằng chúng ta phải đưa ra một sự lựa chọn như vậy”.
Tuy nhiên, liên minh quân sự Mỹ - Australia ngày càng phát triển, nhất là khi Australia trở thành một trục quan trọng đối với tình báo, hậu cần và luân chuyển của các lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2011, Australia đã mở ba căn cứ cho quân đội Mỹ. Đến năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Australia Tony Abbott đã ký Hiệp định Bố trí Lực lượng Mỹ - Australia (FPA). Theo hiệp định FPA, Mỹ có thể sử dụng các căn cứ của Australia trong vòng 25 năm cho các lực lượng Không quân và một đơn vị đồn trú của Thủy quân lục chiến Mỹ lên đến 2.500 người.
Năm 2016, Australia đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, mua sắm thêm máy bay chiến đấu F-35 và nâng cấp căn cứ quân sự trên đảo Cocos ở Ấn Độ Dương. Máy bay tuần tra P-8 Poseidon do Boeing sản xuất có thể cất cánh và theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông từ những hòn đảo phía tây của eo biển Malacca.

Đồng thời, các cơ sở tình báo của Australia đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới tình báo của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh việc củng cố liên minh Mỹ - Australia, Camberra đang tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác khác của Washington. Ý tưởng về một “vòng cung chiến lược” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Sách Trắng Quốc phòng Australia năm 2013 đang dần thay thế “khu vực châu Á - Thái Bình Dương” với vai trò là một khái niệm chiến lược mới nhất được sử dụng trong các học viện và giới chính trị Mỹ.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại cuộc họp báo ở London nhân chuyến thăm Anh ngày 10/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Với sự suy giảm tương đối tính ưu việt của hải quân, Mỹ cảm thấy rằng nước này phải làm theo đế quốc Anh trong việc tìm kiếm các đối tác khu vực sẵn sàng “chia sẻ trách nhiệm” nhằm duy trì sự thống trị trật tự khu vực và toàn cầu. Australia, Nhật Bản và Ấn Độ là những quốc gia nòng cốt trong vòng cung đó.
Trong những năm gần đây, các cuộc gặp quân sự cấp cao, tập trận quân sự chung hay trao đổi công nghệ quân sự tiếp tục được tăng cường giữa Mỹ và ba nước trên.
Sự tham gia sâu hơn vào hệ thống an ninh đa phương do Mỹ dẫn đầu bề ngoài sẽ giúp tăng cường sự chắc chắn của Australia trong môi trường an ninh tương lai, nhưng nó cũng làm tăng “nguy cơ Australia sẽ phải tham gia vào các xung đột lớn”.
Những lợi ích an ninh, ngoại giao và kinh tế của Australia trong khu vực là khác so với những lợi ích của Mỹ, Nhật Bản và các nước khác, đặc biệt là quan hệ của Australia với Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và hai nước này không có bất kỳ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nào. Là thành viên quan trọng trong vòng tròn kinh tế châu Á, Australia đang ngày càng phụ thuộc vào an ninh và ổn định của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Australia cần thúc đẩy tư duy chiến lược của mình vượt ra ngoài Chiến tranh Lạnh để tránh bị lầm lạc bởi giọng nói phóng đại về sự bất ổn chiến lược. Australia không nên căn cứ chính sách ngoại giao và quốc phòng của mình dựa trên những phỏng đoán và đánh giá về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.
Việc cân bằng các đặc điểm chiến lược khác nhau để làm cầu nối giao tiếp giữa các cường quốc khu vực truyền thống và mới nổi có thể có lợi cho sự ổn định chiến lược khu vực trong khi đảm bảo những lợi ích tốt nhất của Australia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục