Liệu kỷ nguyên của Mỹ ở Trung Đông đang đi đến hồi kết?

07:25' - 04/11/2017
BNEWS Mỹ không còn duy trì được ảnh hưởng, đòn bẩy chiến lược ở Trung Đông mà cuộc xung đột giữa Iraq với người Kurd là minh chứng mới nhất.
Liệu kỷ nguyên của Mỹ ở Trung Đông có đang đi đến hồi kết? Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là nhận định được đăng trên tờ World Politics Review. Những thay đổi tự nhiên trong cục diện an ninh tại khu vực đang nằm ngoài khả năng kiểm soát của Mỹ.

Ba tháng sau khi đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Mosul, lực lượng an ninh Iraq được sự hỗ trợ của các chiến binh dòng Shi'ite và quân đặc nhiệm Iran đã tấn công người Kurd ở Iraq, giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược Kirkuk cùng những giếng dầu quan trọng gần đó từ tay chính quyền khu tự trị người Kurd (KRG). 

Chiến dịch phản công này là nhằm đáp trả cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cho người Kurd mà KRG đã tiến hành ba tuần trước đó, nhưng nó cũng có thể là tín hiệu mới, một giai đoạn nguy hiểm về xung đột nội bộ ở Iraq.

Tính đến thời điểm này, Mỹ đã thất bại trong việc ngăn cản đối đầu, chiến sự giữa hai bên, dù tỏ ra cố gắng.Washington phản đối cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd, nhưng không thể ngăn chặn. Mỹ cũng không buộc được Iraq dừng cuộc tấn công nhằm vào Kirkuk.

Baghdad đơn giản đã phớt lờ cảnh báo của Mỹ về khả năng ngừng cung cấp huấn luyện, thiết bị quân sự nếu như Iraq tiếp tục tấn công người Kurd. 

Rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ có đủ khả năng để ngăn chặn bạo lực kế tiếp tại Iraq, đó là vấn đề lớn. Xung đột giữa chính quyền Trung ương Iraq với người Kurd liên quan đến ưu tiên chính trị của Bagdad và đồng minh Iran, nhưng đó cũng là minh chứng cho thấy sự suy giảm của đòn bẩy ảnh hưởng có tính lịch sử của Mỹ ở Trung Đông.

Đòn bẩy là khả năng quản trị, đặc biệt là với một cường quốc toàn cầu như Mỹ, muốn lái các sự kiện ở các nơi trên thế giới.Đó chính là năng lực buộc một nước khác, dù là đối tác hay đối thủ, phải làm điều mà lẽ ra những nước này không muốn, cũng như phải dừng việc mà họ muốn làm.

Đối với Mỹ, đòn bẩy chỉ có được từ một chính sách nhất quán được tạo dựng để tối ưu hóa. Sự chuyển dịch bất ngờ về chính sách có thể tạo hiệu quả tích cực trong nước, vì điều đó khiến dư luận cho rằng chính quyền đang cải cách, nhưng nó cũng làm suy giảm đòn bẩy ảnh hưởng.

Đòn bẩy chiến lược có tính chất hạn định theo thời gian. Đối tác và đối thủ của Mỹ chịu tác động bởi cách hành xử của Mỹ gần đây nhiều hơn là vài năm, thậm chí là vài tháng trước đây.Điều này đặc biệt đúng nếu áp dụng với các đồng minh và đối tác.Khi ít đương đầu với mối nguy, họ sẽ ít cần đến Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ mất đi đòn bẩy ảnh hưởng.

Đòn bẩy chiến lược cũng có tính đảo nghịch. Các nước khác, nhất là những nước ở Trung Đông, có khả năng hoặc đang kiềm tỏa Mỹ theo những cách thức khác nhau. Một số đã đưa ra cách thức tốt nhất để đối phó với hệ thống chính trị Mỹ.

Israel đặc biệt thành công ở khía cạnh này và dường như Israel có đòn bẩy ảnh hưởng với Mỹ còn mạnh hơn là Mỹ với Israel.

Một kĩ thuật khác để chống lại đòn bẩy Mỹ là tìm kiếm các đối tác an ninh và nhà cung cấp vũ trang thay thế. Việc Iraq quay sang trông cậy vào Iran là ví dụ điển hình. Một số khác đã hướng sang Nga và vài năm tới, Trung Quốc có thể chiếm chỗ của Mỹ trong hệ thống an ninh khu vực.

Những nhân tố trên khiến ảnh hưởng dài hạn của Mỹ ở Trung Đông đứng trước triển vọng u ám. Đòn bẩy của Mỹ đã bị xói mòn trong nhiều thời điểm, hệ quả trong các bước đi sai lầm của Mỹ, cũng như những chuyển dịch an ninh tự nhiên ở khu vực. Đà suy giảm bắt đầu khi làn sóng bất ổn ở Iraq cho thấy Mỹ không thể định hình Trung Đông chỉ bằng việc duy trì lực lượng quân sự tương đối ít tốn kém.

Cùng lúc, một số quốc gia trong khu vực như Saudi Arabia ngày càng tự tin và giảm dần phụ thuộc vào Mỹ. Vì lý do riêng, Thổ Nhĩ Kỳ dừng sách lược hướng Tây và hội nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để tập trung vào Trung Đông, cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ. Nga quay trở lại khu vực theo một cách thức ồn ào với sự can dự ở Syria. Iran định ra một chiến lược khu vực hiệu quả.

Thế nhưng nguyên nhân hàng đầu chính là việc Chính quyền Tổng thống Barack Obama và hiện là Chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đã quyết định ít có lý do để đầu tư tiền bạc nhằm định hình môi trường an ninh Trung Đông, nhất là khi Mỹ không còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ từ khu vực này.

Đây có lẽ là điểm kết thúc cho cho kỉ nguyên Mỹ ở Trung Đông. Mỹ cần phải nhận ra rằng suy giảm ảnh hưởng ở Trung Đông không đơn giản chỉ là hệ quả của việc thiếu ý chí hay quyết tâm hành động, mà là thực tế không thể tránh khỏi, đó là biến chuyển tự nhiên từ việc điều hành của Mỹ và an ninh tại chính khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục