Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ​

14:42' - 09/09/2017
BNEWS Ngày 9/9, tại Hải Phòng, Bộ Khoa học Công nghệ và UBND thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng”.

Hội thảo nhằm tìm giải pháp kết nối các ý tưởng sáng tạo, kết nối các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời hướng tới xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp liên vùng đi theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của quốc gia, quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá: Tại Việt Nam hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tuy mới hình thành nhưng đã đạt kết quả khả quan trong giai đoạn gần đây.

Trong quá trình hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, Chính phủ đã xây dựng Đề án 844 về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025 với 3 nhóm nội dung cơ bản.

Theo đó, Đề án nhằm thúc đẩy liên kết cộng đồng khởi nghiệp, nâng cao năng lực chủ thể khởi nghiệp, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách cần thiết cho khởi nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý về khởi nghiệp sáng tạo, thiết lập cổng thông tin đổi mới sáng tạo khởi nghiệp quốc gia; hỗ trợ 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 50 doanh nghiệp nhận vốn đầu tư thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ 600 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 100 dự án nhận được vốn đầu tư thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán, sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, các địa phương và các ban, ngành liên quan cần có đủ kiến thức, kỹ năng tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp tương thích với các quốc gia khác đang triển khai; cần xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại, dám đứng lên làm lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết: Hải Phòng nhận thức rõ vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Khởi nghiệp tuy có nhiều rủi ro nhưng khi thành công lại đem lại giá trị lớn, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế.

Thành phố đã ban hành kế hoạch phê duyệt dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Hải Phòng đến năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó ít nhất 20% kêu gọi vốn đầu tư thành công, phát triển 50 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Để đạt mục tiêu này, Hải Phòng xây dựng trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tổng hợp xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, định kỳ hàng năm tổ chức ngày hội đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố với các hệ sinh thái khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến vấn đề khởi nghiệp như: Làm thế nào để khởi nghiệp thành công, các vấn đề doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp phải như kêu gọi vốn đầu tư, đứng lên sau thất bại, cách xác định điểm mạnh, điểm yếu, điểm tắc nghẽn của doanh nghiệp để từ đó khắc phục nhằm khởi nghiệp thành công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục