Les Echos đưa ra 4 cảnh báo đối với thị trường toàn cầu

06:30' - 02/11/2017
BNEWS Các thị trường trên thế giới hiện có diễn biến tương đối ổn định, không quá nóng cũng không quá lạnh, tuy nhiên vẫn tồn tại bốn nguy cơ treo lơ lửng mà có thể phá hỏng tình trạng “lý tưởng” này.
Giá dầu tăng vượt tầm kiểm soát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng ở một số nước. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu giá dầu tăng vượt tầm kiểm soát, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của một số nước, trong đó có Liên minh châu Âu (EU)

Tăng trưởng kinh tế ổn định, các điều kiện tài chính tương đối nới lỏng và thị trường ít biến động đột ngột là những đặc điểm thuận lợi như đã từng ghi nhận vào năm 2006, tuy nhiên, theo Les Echos, cần lưu ý rằng tiếp theo giai đoạn đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ.

Do đó, các chuyên gia cảnh báo rằng trong ngắn hạn cần phải chú ý tới bốn nguy cơ có thể chấm dứt thời kỳ “mưa thuận gió hòa” hiện tại.

Giá dầu mỏ
Kết thúc thời kỳ giá dầu hạ xuống tới 28 USD, từ một năm nay, giá dầu Brent đang dao động từ 45 đến 60 USD/thùng. Sự ổn định tương đối này đã trấn an thị trường. Ngoại trừ một dấu hiệu, giá dầu đã tăng đến 29% từ 21/6 đến nay, lên 57,75 USD.
Theo Neil Dwane, nhà kinh tế của công ty tư vấn thị trường Allianz GI, rủi ro nguồn cung dầu mỏ đã bị đánh giá thấp. Nếu như việc khai thác dầu đá phiến tại Mỹ đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực dầu khí, liệu thị trường có thực sự tin rằng sản lượng dầu đá phiến sẽ tăng mãi hay không?Theo ông, chi phí khai thác chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới.
Ông Neil Dwane cũng nhận định tình hình tại Trung Đông “có rất nhiều bất trắc”, ví dụ như tại Saudi Arabia, Iraq… do đó “có nhiều lý do để lo ngại rằng giá dầu sẽ tăng. Nếu giá dầu tăng vượt tầm kiểm soát, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của một số nước, trong đó có Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, điều này cũng gây áp lực thúc đẩy lạm phát gia tăng.Kịch bản này đến nay chưa được thị trường ghi nhận.
Lạm phát tại Mỹ
Một kịch bản lý tưởng với thị trường thế giới là kinh tế Mỹ tăng trưởng thêm một chút, lạm phát bị kiềm chế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất với nhịp độ “lý thú giống như quan sát bức tranh trên tường dần dần khô đi”, như cách nói của Chủ tịch Fed Janet Yellen.

Tuy nhiên, Fed không phải lúc nào cũng giải được bí ẩn của Đường cong Phillips, hiện đang chạy theo quỹ đạo bất thường. Đồ thị này mô tả quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tốc độ tăng tiền lương danh nghĩa. Khi biến số này giảm thì biến số kia sẽ tăng lên.
Wilfrid Galand và Olivier Raingeard, hai chuyên gia của hãng Neuflize OBC, cho rằng mối quan hệ này đang thay đổi ở Mỹ. “Tỷ lệ thất nghiệp càng thấp, lương càng tăng.Nếu lạm phát lương càng căng, nó sẽ gây ra vấn đề, vì điều này chưa được thị trường tính đến”.

Theo tính toán của Cục dự trữ bang Atlanta dựa trên cơ sở việc làm hiện có (không tính việc làm mới thông thường có mức lương thấp hơn nhiều), lương trung bình đã tăng tới 3,6% trong tháng 10. Triển vọng lạm phát tăng nhanh sẽ không còn bị loại trừ, điều đó có thể thúc đẩy Fed đẩy nhanh nhịp độ tăng lãi suất và gây bất ngờ cho thị trường.
Neuflize OBC cho rằng kịch bản này sẽ gây ra tác động tiêu cực. Dựa trên đánh giá về mối quan hệ giữa mức vốn hóa/lợi nhuận của các công ty trên S&P 500 (chỉ số PE) và chỉ số về mức độ biến động thị trường của chu kỳ kinh tế (đo lường bằng lạm phát và tăng trưởng), Neuflize OBC nhận xét chỉ số thứ hai khá thấp, gần với mức của giai đoạn 1997 và 2007.

Nó cho thấy “nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để mua cổ phiếu. Nhưng nếu lạm phát tăng nhanh, nó sẽ tạo ra một dạng bất ổn kinh tế vĩ mô, có thể ảnh hưởng tới khuynh hướng chấp nhận giá cổ phiếu của họ.”
Sự bền vững của tăng trưởng trong EU
Việc ông Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp đã mở ra một chu kỳ mới của niềm tin vào mô hình kinh tế EU. Liệu cuộc khủng hoảng tại Catalunya có kết thúc chu kỳ này hay không? Đến nay các nhà đầu tư vẫn tin vào triển vọng tăng trưởng, nhưng vẫn có rủi ro đối với khu vực đồng euro, cũng như lãi suất trái phiếu.
Daniel Gerino, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn Carlton Sélection nhận xét rằng nếu để mặc các phong trào ly khai khu vực phá vỡ sự thống nhất của các quốc gia châu Âu, điều này sẽ gây ra sự hỗn loạn về kinh tế. Theo ông, cần phải hết sức cảnh giác với “bóng ma chủ nghĩa dân tộc”.
Xét trên góc độ này, tình hình tại Đông Âu thậm chí còn đáng ngại hơn. Chiến thắng của các đảng hoài nghi châu Âu tại Áo và Cộng hòa Czech, hai nước này có thể kết thêm đồng minh với Hungari và Ba Lan để tạo ra một trục có khuynh hướng biệt lập trong EU. Diễn biến mới này lại xuất hiện trong lúc xuất hiện những nghi ngại về khả năng lãnh đạo của Đức dưới chính quyền mới.
“Sau cuộc tổng tuyển cử, Đức không còn là một trung tâm ổn định. Liên minh Jamaica (giữa đảng CDU/CSU, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) vẫn chưa hình thành, có thể tạo ra nguy cơ khoảng trống quyền lực tại Đức trong vài tuần nữa”, ông Wilfrid Galand nói.
Tuy vậy, còn quá sớm để đưa ra dự đoán về một cuộc khủng hoảng mới trong Eurozone, trong khi tiến trình đàm phán Brexit giúp các nước thành viên EU thắt chặt hàng ngũ. Theo chuyên gia Galand, không nên đánh giá thấp khả năng tập hợp lực lượng của bà Merkel, EU có thể tiến lên và đưa ra những biện pháp mới để kích thích tăng trưởng.
Thanh khoản giảm trên thị trường thế giới
Ông Wilfrid Galand đánh giá rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng chỉ trong thời điểm hiện tại. Đến năm 2018 tình thế sẽ thay đổi, Fed sẽ cắt giảm thanh khoản, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm mua trái phiếu và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ nâng lãi suất. Tóm lại, năm 2018 sẽ đánh dấu chấm hết cho giai đoạn tiền mặt rót miễn phí vào thị trường.
Tất nhiên lãnh đạo các ngân hàng trung ương ý thức được sự cần thiết phải thu hẹp dần dần sự hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng rõ ràng việc cắt giảm hàng loạt này là bước đi đặc biệt trong lịch sử. Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính sẽ phản ứng ra sao?Giá trị vốn hóa cao và ít biến động khiến cho họ không có chỗ để sai lầm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục