Làm sao để nâng cao chất lượng phục vụ của ngành hải quan?

15:05' - 13/06/2018
BNEWS Trong nhiều năm liên tiếp từ 2014, Chính phủ đã chủ động ban hành Nghị quyết số 19 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Hội thảo Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 13/6, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Kết quả và các vấn đề cần tiếp tục giải quyết.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, trong nhiều năm liên tiếp từ 2014, Chính phủ đã chủ động ban hành Nghị quyết số 19 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, nhất là hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Vì vậy, cần rà soát, xác định những mặt được, tồn tại để đưa nội dung, tinh thần Nghị quyết vào cuộc sống; vì sự phát triển của doanh nghiệp cũng như sức cạnh tranh quốc gia...

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, năm 2017 vừa qua, năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc - là những thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả thu được là rất tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất, phục vụ đắc lực cho mục tiêu mở rộng xuất khẩu và đưa Việt Nam trở thành nước có mức xuất khẩu trên mức trung bình của thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết quả thu được đã đáp ứng đủ, tốt những kỳ vọng từ Chính phủ cũng như của cộng đồng doanh nghiệp chưa? Những hạn chế, tồn tại là gì, do nguyên nhân nào để tập trung phân tích, tìm cách khắc phục...

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi một số thông tin, thực trạng và ý kiến liên quan đến thông quan, phục vụ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu của ngành hải quan.

Theo đó, hiện thời gian hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa (đối với hàng không phải kiểm dịch) trung bình là 48 giờ - tức là đã đáp ứng chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết 19. Tỷ lệ hàng phải kiểm tra chuyên ngành cũng đạt yêu cầu. Nhưng, đối với nhu cầu kiểm dịch động vật thì chưa đạt.

Đến nay, đã có 11 bộ, ngành; 28 cơ quan, đơn vị liên quan đã kết nối, thực hiện thủ tục liên thông quốc gia, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại và 1 cửa ASEAN. Song, số lượng thủ tục thực hiện chưa nhiều so với các thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án của CIEM cho biết, việc quản lý, làm thủ tục hải quan đối với hàng xuất nhập khẩu cần bám sát một số tiêu chí quan trọng như tuân thủ định hướng hiện đại hóa, chủ động yêu cầu thực hiện hậu kiểm và bám sát thông lệ quốc tế.

Từ đó, các cơ quan hữu quan, chức năng cần thường xuyên rà soát, đánh giá nhằm khác phục hạn chế, bất cập và cải thiện tình hình.

Bên cạnh đó, hiện còn có nhiều yêu cầu cải thiện kiểm tra chuyên ngành chưa đạt được như yêu cầu đề ra tại các Nghị quyết 19.

Cụ thể, về yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành, yêu cầu của Nghị quyết 19 là áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong kiểm tra chuyên ngành.

Đến nay, đã áp dụng trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, còn các lĩnh vực khác về cơ bản là chưa áp dụng. Cùng với đó, yêu cầu áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong quản lý kiểm tra chuyên ngành đến nay cũng chưa có lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành nào áp dụng, ông Bình cho biết.

Đặc biệt, cơ quan hải quan cần chủ động giảm thiểu mức độ rủi ro đối với hàng hóa, tức là bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp một cách hiệu quả, với biện pháp phù hợp thực tế.

Đơn cử, nên mặc nhiên công nhận chất lượng của những sản phẩm/hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng thế giới, bãi bỏ những khoản thu rất nhỏ mang tính máy móc nhưng làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, bãi bỏ tình trạng chồng chéo trong quản lý do nhiều cơ quan cùng quản một loại hàng xuất nhập khẩu...

Các doanh nghiệp cũng cho rằng chi phí phục vụ kiểm tra còn lớn trong khi kết quả kiểm tra lô hàng trước lại không được thừa nhận đối với lô hàng cùng loại khác và vẫn phải kiểm tra tiếp tục; gây lãng phí thời gian và tài chính cho doanh nghiệp. Hiện, vẫn có 25% nhóm hàng chịu sự kiểm tra đồng thời của nhiều cơ quan.

Ngoài ra, việc tham vấn giá, định giá hàng hóa để tính thuế còn phức tạp lại mang tính chất từ một phía là cơ quan quản lý nên thiếu chính xác hoặc chưa bảo đảm sự công bằng...

Để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết 19, các chuyên gia cho rằng, cần sớm thực hiện thành việc giảm 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tăng cường kết nối kịp thời và hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, nâng cao mức độ công nhận kết quả kiểm tra giữa các đơn vị chức năng, khuyến khích cơ chế hợp tác và phản biện từ phía doanh nghiệp và cộng đồng; chia sẻ thông tin, rà soát tình hình, phân tích, tổng hợp thực tế và báo cáo, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ những quy định, quy trình bất hợp lý..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục