Làm gì để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch?

09:54' - 17/04/2018
BNEWS Tình trạng nông sản được mùa - mất giá, nhiều mặt hàng phải kêu gọi cộng đồng chung tay giải cứu vẫn là điệp khúc những năm gần đây.
Ngoài nguyên nhân từ khâu tổ chức sản xuất thì việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch còn yếu khiến cho nông sản sau thu hoạch chưa được khai thác hiệu quả.

Việt Nam rất có tiềm năng và đang nằm trong top đầu của một số ngành hàng xuất khẩu nông sản có giá trị. Ảnh minh họa: TTXVN
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Bộ môn Công nghệ Sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

BNEWS: Xin bà cho biết công nghệ sau thu hoạch có vai trò như thế nào trong ngành sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với Việt Nam là nước có lợi thế về các mặt hàng nông sản xuất khẩu?

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Việt Nam rất có tiềm năng và đang nằm trong top đầu của một số ngành hàng xuất khẩu nông sản có giá trị. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng công nghệ sau thu hoạch của chúng ta vẫn còn những điểm yếu.

Tổn thất sau thu hoạch của vẫn còn ở mức cao, từ 12 đến 15% đối với hạt, từ 25 đến 30% đối với rau quả và các sản phẩm chăn nuôi còn cao hơn. Do đó, giảm tổn thất sau thu hoạch là một trong những vấn đề mấu chốt trong nông nghiệp hiện nay.

Phóng viên: Vậy bà có thể đánh giá về tình hình ứng dụng công nghệ sau thu hoạch của ngành nông nghiệp, nhất là với các mặt hàng nông sản?

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Không khó để có thể nhận thấy công nghệ sau thu hoạch của chúng ta vẫn còn khá hạn chế nếu như không nói là còn tương đối yếu.

Những câu chuyện về giải cứu các mặt hàng nông sản liên tục trong những năm gần đây là một minh chứng cho thấy công nghệ sau thu hoạch của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.

BNEWS: Việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch trong lĩnh vực nào đang được ứng dụng hiệu quả và lĩnh vực nào còn hạn chế thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Các mặt hàng nông sản của chúng ta chủ yếu xuất khẩu dưới dạng tươi, thô và có khoảng 70% mặt hàng được xuất sang thị trường Trung Quốc. Chúng ta cũng có cơ hội xuất khẩu vào những thị trường có nhu cầu cao như EU, Mỹ, Nhật Bản... nhưng do công nghệ sau thu hoạch còn khá hạn chế nên nông sản xuất khẩu chưa đạt được tiêu chuẩn để vào được những thị trường này.

PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Bộ môn Công nghệ Sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng từ xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong những năm gần đây cũng cho thấy công nghệ sau thu hoạch đã dần được cải thiện.

Riêng quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 1 tỷ USD; trong đó thanh long tăng hơn 30%, nhãn tăng trên 20%. Đây là minh chứng cho thấy công nghệ sau thu hoạch đối với các sản phẩm rau quả Việt Nam đã khởi sắc.

BNEWS: Câu chuyện công nghệ sau thu hoạch, làm thương hiệu và phân phối sản phẩm sau thu hoạch chưa thực sự hiệu quả đã được nói nhiều. Vậy theo bà đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Khi nói đến chuỗi sản xuất, chúng ta phải nói đến tất cả các yếu tố cùng tham gia; trong đó có vai trò của “các nhà”. Tuy nhiên, sự liên kết giữa “các nhà” hiện còn lỏng lẻo, mỗi một nhà đang còn loay hoay với những cái khó của mình nên chưa có sự kết nối tốt.

Hiện nay, chúng ta có tiềm năng sản xuất nông nghiệp tốt, nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến chất lượng sản phẩm làm ra chưa đồng đều. Với cách sản xuất này rất khó để áp dụng các công nghệ tiên tiến.

Trong khi đó, các nhà khoa học ở các trường đại học, các viện nghiên cứu cũng rất nỗ lực để đóng góp vào việc chuyển giao công nghệ, nhưng sự kết nối với doanh nghiệp cũng gặp những trở ngại nhất định khiến họ chưa tìm thấy cơ hội tốt để có thể hợp tác.

Với doanh nghiệp, sự đầu tư của họ còn khá dè dặt bởi nguồn vốn đầu tư là câu chuyện lớn. Bên cạnh đó, những rủi ro trong đầu tư hoặc hiệu quả khi thu hồi vốn cũng còn có những hạn chế nhất định nên họ cũng khá dè dặt trong việc đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch.

Ngoài ra, vai trò định hướng của các nhà quản lý, những cơ chế khuyến khích phù hợp... cho các đối tượng cũng rất cần có sự kết nối chặt chẽ để các bên hỗ trợ nhau, đưa ra giải pháp đồng bộ và toàn diện hơn.

BNEWS: Một trong những vấn đề quan trọng để ứng dụng công nghệ sau thu hoạch là vấn đề con người. Vậy theo bà nguồn nhân lực của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu và làm sao để nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Việc ứng dụng những công nghệ nông nghiệp thông minh trong giai đoạn tới cho thấy nguồn nhân lực phải đạt với trình độ kỹ thuật cao mới có thể tiếp nhận và ứng dụng được.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực lao động trong nông nghiệp chúng ta đang dư thừa, còn nguồn nhân lực có đủ kiến thức, năng lực và kể cả những nghề nghiệp phù hợp có thể tham gia vào những hoạt động nông nghiệp ở các lĩnh vực sau thu hoạch vẫn còn thiếu.

Chính vì vậy, vai trò của đào tạo, nghiên cứu khoa học là rất quan trọng. Đây là điểm mấu chốt để có thể góp phần cho nền nông nghiệp Việt Nam khởi sắc.

Đối với trường đại học, chất lượng đào tạo sẽ theo hướng tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới. Các trường đại học có đào tạo về công nghệ sau thu hoạch; trong đó Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị có kinh nghiệm trong đào tạo đã liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, đưa các mô hình đào tạo gắn kết với việc thực hành để nâng cao tay nghề…

Cùng với nghiên cứu khoa học, việc đào tạo bổ sung cho cán bộ các tỉnh, các huyện cũng rất cần thiết để trang bị cho họ những kiến thức mới trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và công nghệ sau thu hoạch nói riêng.

BNEWS: Việc ứng dụng công nghệ cao sau thu hoạch nông sản, lâu nay không chỉ người nông dân mà ngay cả doanh nghiệp vẫn thường kêu khó trong việc tiếp cận vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị. Vậy theo bà, cần phải làm gì để gỡ bỏ “nút thắt” này?

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Vấn đề này chúng ta phải nhìn nhận từ cả hai phía, nhất là từ phía nhà nước cần có sự quan tâm và đầu tư nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ.

Có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người nông dân bởi điều kiện của họ còn quá khó khăn. Đối với doanh nghiệp, họ cũng cần có niềm tin khi bỏ vốn đầu tư cho công nghệ, nhưng phải đảm bảo mang lại những kết quả xứng đáng.

Nhà nước cần có sự điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp. Trong đó, những chương trình đầu tư mà doanh nghiệp là đối tượng ưu tiên, là đối tượng trung tâm kết nối với nhà khoa học để đưa ra những công nghệ mới vào các lĩnh vực nông nghiệp nói chung cũng như công nghệ sau thu hoạch nói riêng.

BNEWS: Ngoài các giải pháp về vốn thì còn cần những giải pháp cụ thể gì để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Nhà nước cần có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn đối với từng nhóm đối tượng, đồng thời có những chính sách cụ thể.

Đơn cử như cần có chính sách hỗ trợ người nông dân - những người trực tiếp sản xuất; hỗ trợ các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu để tăng cường các hoạt động nghiên cứu hỗ trợ cho công nghệ sau thu hoạch. Doanh nghiệp cũng cần có những chính sách khuyến khích để giúp họ tiếp cận đầu tư vào công nghệ mới.

Sự đầu tư về tài chính hợp lý từ Chính phủ cùng với sự nhận thức của các bên khi tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần mang lại hiệu quả tốt hơn cho các chuỗi sản xuất sản phẩm qua đó mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất đó.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, hợp tác công tư với những đối tác có năng lực tốt trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch nói riêng cũng như trong nông nghiệp nói chung.

Ví dụ như Việt Nam và Hà Lan đã có những hợp tác để tiếp cận những công nghệ mới, kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, học hỏi…

BNEWS: Xin cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục