Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Thí sinh không dễ đạt điểm cao môn Ngữ văn

14:22' - 25/06/2018
BNEWS Khép lại môn thi đầu tiên, Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 - môn Ngữ văn, nhiều giáo viên, học sinh cho rằng đề thi có tính phân loại cao, tuy nhiên học sinh không dễ "ăn" điểm.

*Để có tính phân loại cao
Ghi nhận từ một số điểm thi tại Thành phố Hồ Chí Minh, trưa 25/6, kết thúc thời gian làm bài thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh tỏ ra rất phấn khởi vì đề thi không quá khó như dự đoán, trong đó câu nghị luận xã hội có nội dung ý nghĩa, các em có thể thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình.

Các thi sinh Thành phố Hồ Chí Minh hoàn tất môn thi Ngữ Văn, môn thi đầu tiên kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Ảnh: TTXVN

Tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Trưng Vương (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), thí sinh Huỳnh Tú Hiền chia sẻ, nhìn chung đề thi năm nay không quá khó, với đề thi này sẽ giúp các bạn chọn môn Ngữ văn để xét tuyển đại học có lợi thế.

Đặc biệt, đề thi năm nay khá hay bởi có sự kết hợp giữa các câu hỏi với nhau và sự kết hợp giữa lớp 11 và lớp 12.
Khá hào hứng với câu hỏi nghị luận xã hội về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay, thí sinh Đặng Trúc Ly, học sinh Trường Trung học Phổ thông Trưng Vương chia sẻ, câu hỏi rất thực tế, khơi dậy tinh thần trách nhiệm công dân hiện nay.
Đánh giá về đề thi môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cho rằng đề có tính phân loại tốt, đặc biệt nội dung đề cập đến vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước mang tính thời sự; vừa khơi dậy tình cảm, niềm tự hào về quê hương đất nước vừa nhắc nhở mỗi người về ý thức, trách nhiệm mỗi cá nhân trong đánh thức tiềm lực quốc gia từ tài nguyên.
Năm nay, Ngữ văn là môn thi duy nhất thi theo hình thức tự luận. Theo đánh giá của một số giáo viên dạy môn xã hội tại các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn Hà Nội, đề thi có tính phân loại tương đối cao, phần đọc hiểu khá dễ "ăn" điểm.
Đánh giá về tính sáng tạo, các giáo viên cho rằng, về cơ bản đề thi không có nhiều tính sáng tạo, phần 1 đọc hiểu là những câu hỏi khá quen thuộc, ở mức độ nhận biết và thông hiểu.

Phần 2 làm văn có sự khác biệt so với những năm trước nhưng dạng đề liên hệ đã được chú ý ôn tập nhiều sau khi đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo được công bố.
Em Nguyễn Hồng Minh, học sinh Trường Trung học Phổ thông Thái Phiên, Hải Phòng chia sẻ: "Em thấy phần đọc hiểu rất hay vì đề thi đã đề cập đến những vấn đề thời sự hiện nay của đất nước.

Mỗi học sinh sẽ đều ý thức được về vai trò của mình trong việc bảo vệ tài nguyên tự nhiên và vận dụng tài năng, trí tuệ để xây dựng đất nước phát triển bền vững".

Với câu 2 trong phần Làm văn về hình ảnh đối lập giữa chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực trong gia đình, từ đó liên hệ cảnh đối lập giữa thành phố và nông thôn trong hai tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu và "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam cũng đòi hỏi học sinh phải nắm chắc tác phẩm, cảm thụ tốt thì mới làm được.

Em thấy đề thi thú vị và tự tin với phần bài làm của mình.
*Thí sinh không dễ đạt điểm cao
Với đề thi như năm nay, dự đoán ít thí sinh bị điểm liệt, phổ điểm chủ yếu trong khoảng 6,5 đến 7,5. Lượng thí sinh đạt điểm 8, điểm 9 và hơn chiếm tỉ lệ thấp.
Ra khỏi phòng thi sớm, thí sinh Đỗ Khắc Long, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, đề Ngữ văn năm nay buộc học sinh phải học kỹ cả kiến thức lớp 11 và lớp 12.

“Em gặp khó khăn với câu 1 phần Làm văn. Câu này học sinh phải có kiến thức xã hội rộng, bao quát mới làm tốt được. Phần Đọc hiểu em làm khá tốt, chắc sẽ đạt điểm tối đa, nhất là ở câu 1 và câu 2”- Đỗ Khắc Long chia sẻ.

Tâm trạng phấn khởi của các thí sinh kết thúc bài thi môn Ngữ Văn tại điểm trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Tương tự, thí sinh Đặng Nguyễn Hồng Quang, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, phần Đọc hiểu học sinh dễ kiếm điểm.

Tuy nhiên, đề Ngữ văn năm nay lựa chọn tác phẩm ra đề khá bất ngờ, không như dự đoán của em. Trong phần Ngữ văn, em khá vất vả khi phải tổng hợp kiến thức xã hội.
Hầu hết các thí sinh điểm trường này đánh giá đề Ngữ văn không hay như mong đợi và dự đoán sẽ đạt từ 6 - 7 điểm.
Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa, Giáo viên Trường Trung học Phổ thông Tiên Lãng (Hải Phòng) nhận định: Đề thi Ngữ văn năm nay khó.

Để học sinh đạt điểm 7 hoặc 8 không dễ. Câu I phần Đọc hiểu là vấn đề thời sự, nếu học sinh không quan tâm nhiều đến tình hình thời sự, không thôi thúc bản thân nỗ lực sẽ khó cảm nhận tốt để đánh giá và trình bày ý tưởng.

Câu so sánh trong phần Làm văn tuy là những kiến thức trong sách, các em đã được học nhưng lại đòi hỏi khả năng phân tích, đánh giá và so sánh. Học sinh chuyên Văn làm đề thi này đạt điểm cao không dễ; học sinh không chuyên sẽ khó đạt điểm 6 hoặc điểm 7.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, với đề thi như vậy, thí sinh không dễ để đạt điểm cao, cấu trúc đề cũng tương tự đề minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó nên không gây nhiều bất ngờ cho thí sinh.

Đề không quá khó đối với thí sinh, để đạt được điểm 5-6 điểm là khá dễ dàng, tuy nhiên đạt được điểm 8 trở lên thì khá khó, bởi bên cạnh kiến thức thí sinh phải có kỹ năng làm bài và hiểu biết thực tế.
Thầy Đỗ Đức Anh cho biết thêm, câu nghị luận xã hội về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân là khá hay và phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề này khá “đao to, búa lớn” đối với học sinh phổ thông mới 18 tuổi. Học sinh phải nêu được bày quan điểm về trách nhiệm của người trẻ đối với đất nước.

Mặt khác, chỉ trong khoảng 200 chữ mà đề cập về một vấn đề lớn lao như vậy e rằng học sinh khó có thể trình bày được đầy đủ, sâu sắc, đáp ứng được yêu cầu của đề bài. Học sinh phải có quan điểm rõ ràng và thể hiện quan điểm một cách súc tích, rõ ràng mới có thể được trọn vẹn điểm ở câu này.
Phần Nghị luận văn học được nhiều giáo viên đánh giá là hay nhất trong đề thi năm nay.

Thầy Đỗ Đức Anh cho rằng với đề thi này học sinh khó có thể học “tủ” mà phải hiểu vấn đề mới có thể làm được; đồng thời, ở câu này có phần liên hệ với tác phẩm của chương trình lớp 11 khá hay. Những học sinh thực sự có năng lực về môn Văn sẽ làm tốt câu này.
* Học sinh vượt lũ dự thi
Sáng 25/6, có 796/796 thí sinh ở vùng lũ Văn Bàn (Lào Cai) có mặt tại hai điểm thi ở thị trấn Khánh Yên, để tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia, đạt tỷ lệ 100%.

Xe chuyên dụng của Quân đội, Công an Hà Giang đưa đón thí sinh từ các khu vực ngập úng cục bộ đến các điểm thi an toàn. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, tình hình mưa lũ sáng 25/6 không ảnh hưởng đến các điểm thi trên địa bàn.
Tại điểm thi số 15 đặt tại trường Trung học Phổ thông số 1 huyện Văn Bàn, ông Nguyễn Trung Thành, thư ký Hội đồng thi cho biết, có 3 thí sinh đến từ xã Nậm Chảy huyện Văn Bàn mặc dù bị lũ chia cắt làm tắc đường nhưng đã đến kịp giờ tập trung vào 17h chiều 24/6 để tập kết làm thủ tục thi.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn cho biết: Trong số 796 thí sinh đến dự thi, có nhiều thí sinh là người dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Xa Phó… ở các xã vùng cao, vùng sâu.

Các em đã nỗ lực vượt lũ, giao thông đi lại khó khăn do sạt lở đất, ngập úng cầu… để dự thi đúng giờ, an toàn.
Cũng trong sáng cùng ngày, hơn 6.000 thí sinh trong toàn tỉnh Lào Cai đã có mặt tại 16 điểm thi, với 273 phòng thi để thi môn Ngữ văn của Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018./.

Xem thêm:

>>>Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: Nhiều thí sinh ở Lai Châu vắng mặt do mưa bão

>>>Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: Có 27 thí sinh vi phạm quy chế trong môn thi đầu tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục