Kiến nghị giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

11:17' - 17/01/2018
BNEWS Cần đẩy nhanh và mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị 26/CT-TTg.
 
Kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Nghị quyết 01/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 1/1/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo đó, nội dung đầu tiên và được nhấn mạnh nhất là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch... giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân và doanh nghiệp...
Nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ chỉ đạo theo tinh thần của Nghị quyết 01, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trước nhất phải đẩy nhanh và mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị 26/CT-TTg.
Cùng với đó, tăng cường các giải pháp để tăng năng suất của nền kinh tế; thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước; tích cực giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; cải thiện xây dựng pháp luật kinh doanh; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp; quan tâm tới phát triển thị trường lao động...
Ông Lộc nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế kinh tế vĩ mô cần đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn lực một cách bình đẳng, đặc biệt là tiếp cận vốn và tiếp cận đất đai; đồng thời, chú trọng việc xây dựng chính sách thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như Luật Cạnh tranh một cách phù hợp, khắc phục được những cản trở do hạn chế quy mô nhỏ gây ra.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia vào xây dựng quy hoạch phát triển các vùng kinh tế, các ngành kinh tế nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh của các địa phương; đồng thời, hạn chế sự phân tán về nguồn lực.

Các chương trình hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp trong nước cũng nên tổ chức thường xuyên và tăng cường hiệu quả hơn nữa.
Các bộ, ngành cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận thị trường tài chính, thị trường lao động hay thị trường hàng hóa, thị trường công nghiệp, thị trường khoa học công nghệ... Trên cơ sở đó, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Liên quan tới giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, ông Lộc kiến nghị, có thể giảm chi phí tuân thủ pháp luật thông qua việc cải cách thủ tục hành chính và giảm phí, lệ phí...

Cùng với đó, thúc đẩy phong trào “nói không với tiêu cực”, xử lý nghiêm minh các trường hợp để xảy ra tiêu cực và quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở các tổ chức. Hoặc, có thể giảm chi phí ở các yếu tố đầu vào như đất đai, logistics, cơ sở hạ tầng... Thông qua đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp.
Trong số nhiều kiến nghị từ VCCI, còn có một số kiến nghị điển hình từ các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề.

Cụ thể như, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch, Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật Điện Việt Nam cho biết, quý III/2017, hiệp hội đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Tài chính về việc giảm thuế nhập khẩu vật liệu kỹ thuật điện mà Việt Nam chưa sản xuất được và các thiết bị điện mà Việt Nam đã sản xuất được trong nước.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiệp hội vẫn chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng. Hiệp hội mong mỏi, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương cùng xem xét và có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.
Ngoài ra, còn có kiến nghị từ đại diện Công ty cổ phần Tư vấn và Thiết kế DK về việc được hưởng chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Chi cục Thuế Tp. Vũng Tàu xem xét lại quy định pháp luật về chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp và các quy định của pháp luật về dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng... để có những điều chỉnh phù hợp bảo đảm sự thống nhất giữa cơ quan cấp phép đầu tư với cơ quan thuế trong áp dụng chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư nói chung và dự án “Xưởng thiết kể và dịch vụ kỹ thuật” của Công ty cổ phần Tư vấn và Thiết kế DK nói riêng. Qua đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho doanh nghiệp./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục