Khuyến cáo doanh nghiệp chủ động trong phòng vệ thương mại

10:50' - 14/01/2018
BNEWS Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước, các hiệp hội cần chú trọng hơn nữa đến phòng vệ thương mại.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ, tác động của biện pháp phòng vệ thương mại tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước, các hiệp hội cần chú trọng hơn nữa đến phòng vệ thương mại để hạn chế khả năng Hoa Kỳ và các nước khác điều tra trong lĩnh vực này.
Theo Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (từ năm 1906). Đến năm 1930, Đạo luật Thuế quan của Hoa Kỳ đã có các quy định tương đối chi tiết về vấn đề này.
Đặc biệt, đây cũng là nước có ảnh hưởng đáng kể trong việc đưa vào Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1947 các quy định về phòng vệ thương mại như là công cụ “rào cản nhập khẩu” hợp pháp.
Các chuyên gia Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, pháp luật về điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) của Hoa Kỳ là một phần quan trọng của pháp luật về phòng vệ thương mại Hoa Kỳ nói riêng cũng như pháp luật về thương mại Hoa Kỳ nói chung.
Mục tiêu chủ yếu của các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài trên thị trường Hoa Kỳ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ phải tuân thủ các nguyên tắc bắt buộc về nội dung yêu cầu và thủ tục quy định tại các Hiệp định liên quan của WTO cụ thể là GATT 1994, Hiệp định về Chống bán phá giá, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định về biện pháp Tự vệ).
Quy định của Hoa Kỳ cũng nêu rõ, Cơ quan có thẩm quyền điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp trong điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ).
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quá trình điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ (Hải quan Hoa Kỳ, Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ CIT, Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ USTR).
Cơ quan có thẩm quyền khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Pháp luật phòng vệ thương mại Hoa Kỳ quy định hai phương thức khởi xướng điều tra vụ việc chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD).
Mặc dù việc DOC có thẩm quyền tự khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Tính đến tháng 11 năm 2017, Hoa Kỳ mới chỉ có 2 vụ việc được tự khởi xướng điều tra bao gồm: Vụ việc đầu tiên tự khởi xướng vào năm 1985 đối với sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản và vụ việc gần đây nhất Hoa Kỳ tự khởi xướng là vào năm 1991 (vụ việc điều tra CVD đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada).
Nhưng điều này đã thay đổi từ ngày 28 tháng 11 năm 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo tự khởi xướng điều tra AD và CVD lần đầu tiên trong lịch sử đối với tấm nhôm hợp kim thông thường (common alloy aluminum sheet) nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong vụ việc tự khởi xướng lần này, DOC dựa vào thông tin rằng giá bán tấm nhôm hợp kim thông thường nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ có thể đang thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa tương tự.
Mặt khác, theo DOC hàng hóa nhập khẩu đó có thể đang được hưởng lợi từ các chương trình trợ cấp. Ngoài ra, hàng hóa bị bán phá giá và trợ cấp đó có thể đang gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự nội địa Hoa Kỳ. Đáng lưu ý, năm 2016, tấm nhôm hợp kim thông thường nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ đạt mức 603,6 triệu USD.
Cũng theo Cục Phòng vệ Thương mại, công cụ tự khởi xướng được xem là một công cụ hữu ích, đặc biệt trong bối cảnh các ngành sản xuất trong nước có nhiều doanh nghiệp và gặp khó khăn trong việc khớp dữ liệu, chia sẻ chi phí.
Thêm vào đó, công cụ này giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị để khởi xướng một vụ việc và rút ngắn thời gian tiến hành khởi xướng để hỗ trợ doanh nghiệp đang phải chịu thiệt hại bởi sự cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, công cụ tự khởi xướng cũng tồn tại nhiều hạn chế, đầu tiên phải kể đến là sự khác biệt chủ yếu giữa một cuộc điều tra tự khởi xướng và một cuộc điều tra được khởi xướng theo đơn kiện của nguyên đơn nằm ở “yêu cầu của ngành sản xuất nội địa”.
Để khởi xướng một cuộc điều tra AD/CVD theo đơn kiện, DOC phải xác định nguyên đơn cần chiếm ít nhất 25% tổng lượng sản xuất sản phẩm tương tự trong nước và đơn kiện phải nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất trong nước chiếm tối thiểu 50% các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến (tán thành hoặc phản đối) về việc điều tra.
Trên thực tế, trong năm 2017, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra 79 vụ việc AD và CVD, tăng 65% so với năm 2016 . Đối với Việt Nam, chỉ trong năm 2017, Hoa Kỳ đã khởi xướng 2 vụ việc chống bán phá giá (với sợi và tủ đựng dụng cụ) và 2 vụ việc tự vệ có liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam (đối với máy giặt và pin năng lượng mặt trời).
Do vậy, nhằm hạn chế rủi ro khi xuất khẩu, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ và chủ động các biện pháp ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra để đảm bảo xuất khẩu thuận lợi sang Hoa Kỳ nói riêng và các thị trường khác nói chung./.

>>>Thiết lập phòng vệ thương mại để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục