Không cho trẻ tiêm phòng, cha mẹ có thể đang tự làm hại con mình

09:10' - 21/07/2017
BNEWS Nhiều cha mẹ có tâm lý chủ quan, không đưa trẻ nhỏ tiêm chủng đầy đủ, thậm chí không tiêm chủng khiến nhiều trẻ bị bệnh, biến chứng nặng nề.

Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam bắt đầu được triển khai thí điểm từ năm 1981 và được mở rộng dần hàng năm. Đến nay đã có 12 loại vắc xin được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nhờ vậy, hàng năm, hơn 1,6 triệu trẻ em và gần 1,7 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất.

Tuy nhiên, hiện nay trong cộng đồng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, không đưa trẻ nhỏ tiêm chủng đầy đủ, thậm chí không tiêm chủng khiến nhiều trẻ bị bệnh, biến chứng nặng nề gây tàn tật, thậm chí tử vong do mắc các bệnh truyền hiễm có thể dự phòng được bằng vắc xin.

Để cộng đồng hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã thực hiện loạt bài với chủ đề “Hiệu quả vắc xin đối với sức khỏe cộng đồng” đi sâu phân tích hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.

Bên cạnh đó, các bài viết cũng nêu rõ nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nếu không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; hướng dẫn các gia đình đưa trẻ đi tiêm an toàn, hiệu quả.

Bài 1: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh do trẻ không tiêm chủng đầy đủ

Hiện nay, trên cả nước vẫn ghi nhận một số trường mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm rải rác, lẻ tẻ tại một số tỉnh, thành phố như ho gà, viêm não vi rút, viêm màng não do não mô cầu... Phần lớn các trường hợp này đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh, có trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-3 tháng tuổi.

Đây là độ tuổi trẻ cần được đưa đi tiêm chủng phòng bệnh theo lịch đầy đủ nhưng chưa được tiêm. Đồng thời, hiện nay còn có tình trạng chống tiêm vắc xin cho trẻ trên một số trang mạng xã hội khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, hoang mang.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) khẳng định: Vắc xin tương tác với hệ thống miễn dịch và thường tạo ra một đáp ứng miễn dịch nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận...

Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế). Ảnh: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Phóng viên: Thưa Tiến sỹ Dương Thị Hồng, bà có thể nêu rõ về cơ chế phòng bệnh của vắc xin với sức khỏe con người?

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Vắc xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho các cá thể để tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc xin tương tác với hệ thống miễn dịch và thường tạo ra một đáp ứng miễn dịch nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận.

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch khi tiêm chủng. Chúng bao gồm sự có mặt của kháng thể từ mẹ, bản chất và liều lượng kháng nguyên, đường dùng và sự có mặt của một chất hấp phụ (ví dụ như phức hợp có chứa nhôm) được thêm vào để tăng cường miễn dịch của vắc xin.

Các yếu tố như tuổi, yếu tố dinh dưỡng, di truyền và bệnh tật đang mắc phải cũng có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc xin.

Mỗi vắc xin có chứa loại vi sinh vật gây bệnh, hoặc một phần của nó. Vắc xin có thể là đơn giá hoặc đa giá. Một vắc xin đơn giá có chứa một chủng duy nhất của một kháng nguyên duy nhất (ví dụ vắc xin sởi), trong khi một loại vắc xin đa giá có chứa hai hoặc nhiều chủng/ tuýp huyết thanh của kháng nguyên (ví dụ vắc xin bại liệt).

Vắc xin phối hợp có chứa từ hai kháng nguyên trở lên (ví dụ như vắc xin Quinvaxem hay còn goi là 5 trong 1). Lợi thế tiềm năng của loại vắc xin phối hợp bao gồm việc giảm chi phí bảo quản và quản lý so với các vắc xin đơn giá, giảm chi phí số lần đi tiêm chủng, cải thiện sự kịp thời của tiêm chủng và tạo thuận lợi cho việc bổ sung các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng.

Không có bằng chứng nào cho thấy tiêm các kháng nguyên trong vắc xin kết hợp làm tăng gánh nặng cho hệ thống miễn dịch.

Hệ thống này có khả năng đáp ứng hàng triệu kháng nguyên tại một thời điểm. Kết hợp kháng nguyên thường không làm tăng nguy cơ phản ứng bất lợi và trên thực tế, dẫn đến giảm tổng thể các phản ứng bất lợi.

Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng rất bình thường. Có trường hợp phản ứng sau tiêm rất nhẹ nhưng cũng có trường hợp phản ứng nặng dẫn đến phải nhập viện, di chứng tàn tật hoặc thậm chí tử vong. Những trường hợp phản ứng mạnh mẽ, nhất là các trường hợp tử vong sau tiêm là rất ít.

Phóng viên: Thời gian gần đây, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có 12 loại vắc xin được tiêm miễn phí nhưng vẫn có trẻ mắc bệnh như ho gà, đặc biệt là dịch sởi năm 2014… Vậy nguyên nhân của việc này là do đâu thưa bà?

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Thời gian gần đây đã xuất hiện trẻ mắc ho gà khi chưa đến tuổi tiêm chủng, hoặc trẻ chưa được tiêm chủng phòng bệnh ho gà đầy đủ. Trẻ nhỏ mắc bệnh ho gà do sức đề kháng yếu, trẻ có thể mắc những bội nhiễm khác và đã có trường hợp tử vong. Vắc xin phòng bệnh ho gà hiện nay được tiêm miễn phí cho trẻ.

Tuy nhiên, một số bà mẹ do lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng đã đưa trẻ đi tiêm muộn hoặc từ chối không tiêm chủng nên một số trẻ đã mắc bệnh này. Để phòng bệnh ho gà cho trẻ, các bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, tại một số tỉnh đã ghi nhận một số trường hợp trẻ mắc ho gà trước 2 tháng tuổi là thời điểm trước khi trẻ được tiêm chủng mũi vắc xin đầu tiên phòng bệnh ho gà. Lịch tiêm chủng vắc xin ho gà được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Tiêm vắcxin cho trẻ là cách phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: TTXVN

Các loại vắc xin có thành phần ho gà tương tự cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ sớm nhất vào lúc 6 tuần tuổi. Vì vậy, để có thể phòng bệnh sớm cho trẻ ngay sau sinh trong 2 tháng đầu đời đến trước khi được tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà trước hoặc trong thời kỳ mang thai.

Hiện nay, phụ nữ có thai mới chỉ được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Những phụ nữ chuẩn bị mang thai và trong thời kỳ mang thai có thể tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Bên cạnh bệnh ho gà, một ví dụ cụ thể nữa chính là dịch sởi vào năm 2014 cho thấy, những trẻ không được tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ đã mắc sởi và có biến chứng; thậm chí có trường hợp tử vong.

Để phòng bệnh sởi hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Mũi 1 khi trẻ 9-11 tháng tuổi, mũi 2 tiêm vắc xin phối hợp sởi - rubella khi trẻ 18 tháng tuổi.

Phóng viên: Việc tiêm không đúng lịch hẹn có làm mất tác dụng của vắc xin không thưa bà?

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Một số trẻ em hoặc người lớn trong quá trình tiêm chủng bị mắc các bệnh cấp tính, bị sốt, viêm không đảm bảo điều kiện tiêm chủng khi khám sàng lọc trước tiêm hoặc vì nguyên nhân nào khác như đi du lịch, quê nên không thể thực hiện tiêm phòng theo đúng lịch hẹn.

Một số loại vắc xin có nhiều hơn 2 liều tiêm cơ bản, thông thường khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều vắc xin cùng loại là 4 tuần, không có khoảng cách tối đa. Do đó nếu không tiêm phòng đúng theo lịch hẹn thì vẫn nên tiếp tục tiêm càng sớm càng tốt ngay sau thời gian ghi trong lịch hẹn hoặc khi sức khỏe hồi phục.

Việc tiêm như vậy vẫn sẽ có hiệu quả bảo vệ sau khi được tiêm phòng và sẽ không mất tác dụng của liều tiêm trước, tuy nhiên nếu tiêm đúng phác đồ (lịch hẹn) sẽ có hiệu quả bảo vệ tối ưu.

Phóng viên: Sau khi tiêm phòng, các bà mẹ thường lo lắng về các tác dụng phụ, vậy làm thế nào để hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra với trẻ, thưa bà?

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Sau tiêm chủng, trẻ có thể gặp một số phản ứng phụ như sốt, sưng, đỏ, cứng và đau tại chỗ tiêm... Các tác dụng phụ này tùy theo cơ địa từng trẻ mức độ sẽ khác nhau, thường nhẹ và sẽ hết sau 1 vài ngày.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ bị kéo dài gây tâm lý sợ hãi cho trẻ trong các lần tiêm sau và các bậc phụ huynh thì đứng ngồi không yên. 

Để giảm các tác dụng phụ có thể gặp phải sau tiêm chủng, cha mẹ có thể lấy bông gòn mà các y tá để ở chỗ tiêm day day cho đến khi khô, sau đó chườm lạnh – bằng cách mang theo sẵn khăn lạnh cất trong túi giữ lạnh (túi bảo quản sữa).

Sau khi tiêm xong, mẹ cũng cần cho trẻ bú nhiều để tránh mất nước. Lưu ý, cha mẹ không sử dụng chanh hay khoai tây thái lát mỏng đắp lên nơi tiêm vì có thể gây nhiễm khuẩn tại chỗ tiêm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Viện trưởng!

Bài 2: Các vắc xin trong chương trình mở rộng đều an toàn 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục