Khơi thông nguồn vốn cho hợp tác xã kiểu mới

11:34' - 15/04/2018
BNEWS Thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã chú trọng tới việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới.
Khơi thông nguồn vốn cho hợp tác xã kiểu mới. Ảnh minh họa: Diệp Anh/TTXVN
Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới, tạo nguồn lực đủ mạnh cho hợp tác xã phát triển đang là vấn đề được Tp. Hồ Chí Minh chú trọng triển khai trong thời gian qua. Theo đó, thành phố đã và đang tạo môi trường thuận lợi, chủ động hỗ trợ nguồn vốn phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế tập thể trong điều kiện kinh tế thị trường. 
*Hỗ trợ đầu tư đổi mới 
Trong thời gian qua, để hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, tổ hợp tác, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã hình thành 19 Quỹ tín dụng nhân dân với số lượng đạt hơn 23.100 thành viên. Theo đó, mạng lưới của quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động tại 102 phường, xã, thị trấn thuộc địa bàn 12 quận, huyện cung cấp các sản phẩm tín dụng đa dạng, linh hoạt, hỗ trợ cho các xã viên và người lao động tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và giảm tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. 
Đơn cử, Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (CCM), trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Tp. Hồ Chí Minh, với mạng lưới gồm 5 chi nhánh và 1 văn phòng trung tâm. Trong năm 2017, Quỹ đã hỗ trợ vốn cho 62.367 lượt thành viên với tổng doanh số 1.360 tỷ đồng, tăng 13,33% so với năm 2016. Dư nợ tín dụng trong năm 2017 đạt 748,4 tỷ đồng, tăng 12,37% so với năm 2016. 
Bên cạnh đó, Quỹ CCM cũng cấp bù lãi vay 375 triệu đồng cho Hợp tác xã Bò sữa Tân Thông Hội - Huyện Củ Chi với khoản vay 25 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa bò tươi. Đây cũng là chính sách hỗ trợ khuyến khích cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. 
Theo đại diện các hợp tác xã dịch vụ giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh, Quỹ CCM đã phê duyệt cho các Liên minh Hợp tác xã trên địa bàn thành phố về đầu tư, thay mới xe buýt được hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 2545/QĐ-UBND, ngày 23/5/2014 của UBND về phê duyệt đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 - 2017, với tổng mức vốn đầu tư hơn 1.262 tỷ đồng cho 740 xe buýt. Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn vay cần hỗ trợ từng hợp tác xã để phân bổ vốn hợp lý. 
Song song với các hoạt động hỗ trợ vốn cho hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, tổ hợp tác, Quỹ CCM còn liên kết với Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ tín dụng 7 đề án đổi mới nâng cao trình độ công nghệ về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2025, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn, với tổng kinh phí hỗ trợ 2,1 tỷ đồng. 
Ngoài ra, Quỹ CCM đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mô hình canh tác tiên tiến, hiện đại gồm 42 mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP; 45 mô hình nuôi cá cảnh, cá thịt, cá giống, tôm, cua; 25 mô hình trình diễn về kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất; 9 mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học... 
Ông Thái Quốc Dũng, Phó giám đốc Quỹ CCM cho biết, hiện nay Tp. Hồ Chí Minh đang tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn nói chung và Quỹ CCM nói riêng. Trong đó, các quỹ trợ vốn này sẽ tập trung vào việc tăng nguồn vốn hoạt động (vốn góp của thành viên và vốn huy động), phát triển thành viên, tăng dư nợ tín dụng. Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh luôn phối hợp với UBND các quận, huyện trong việc kịp thời củng cố nhân sự, hoạt động và giúp các quỹ trợ vốn của thành phố hoạt động hiệu quả hơn. 
“Riêng Quỹ CCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, tăng số lượng thành viên tiếp cận các sản phẩm tín dụng qua từng năm, với 102.000 lượt/năm và doanh số trợ vốn là 1.700 tỷ đồng/năm”, ông Thái Quốc Dũng, chia sẻ thêm. 
*Nâng cao năng lực cạnh tranh 
Thống kê tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, có 569 hợp tác xã; trong đó, có 456 hợp tác xã đang hoạt động và 113 hợp tác xã ngưng hoạt động chờ giải thể. Ngoài ra, tại thành phố còn có 5 Liên minh Hợp tác xã đang hoạt động và 3 Liên minh Hợp tác xã ngưng hoạt động và chờ giải thể. Riêng tổng số tổ hợp tác là 2.053 đơn vị, hầu hết là các tổ hợp tác đều có quy mô nhỏ, hoạt động đa dạng lĩnh vực như trồng rau, làm bánh tráng, chăn nuôi... 
Hiện vấn đề thiếu vốn đầu tư, kinh doanh đang là rào cản lớn đối với các hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, tổ hợp tác, trong khi các đối tượng này có quy mô hoạt động nhỏ, chưa đủ khả năng hình thành chuỗi trong sản xuất, dẫn đến năng lực cạnh tranh chưa mạnh và nội lực yếu khi hội nhập thị trường thương mại tự do. 
Trước tình hình trên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Phó giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn miền Nam, đề xuất Tp. Hồ Chí Minh nên có thêm nhiều chính sách khuyến khích, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, góp phần tăng cường sự liên kết giữa hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, tổ hợp tác với những doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, trợ vốn… 
Mặt khác, Tp. Hồ Chí Minh cần sớm triển khai mô hình hợp tác xã tiêu dùng trên cơ sở phát triển Liên minh Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và mô hình tổ hợp tác chợ kiểu mẫu mới. Từ đó, vận động tiểu thương trở thành thành viên của hợp tác xã chợ, hợp tác xã sẽ nghiên cứu và phát triển những hoạt động kinh doanh khác để tăng nguồn thu, mang lại lợi ích kinh tế cho thương nhân và tiểu thương thông qua hình thức giao dịch với hợp tác xã. 
Liên quan đến lĩnh vực quỹ tín dụng nhân dân, bà Lê Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Tp. Hồ Chí Minh cho hay, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các khoản ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NDD-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. 
Theo đó, chú trọng cho vay các mô hình hợp tác xã mới làm ăn có hiệu quả, theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có thế mạnh, giá trị thương mại và tác động lan tỏa trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục mở rộng vững chắc các quỹ tín dụng nhân dân mới ở khu vực nông thôn; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng Quỹ CCM đáp ứng nhu cầu của xã viên. 
Để hướng đến mục tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể đạt 10%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP thành phố 1,2% và thu hút thêm 50.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế tập thể, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng các sở ngành phải chủ động giải pháp khơi thông nguồn vốn và trợ vốn cho xã viên hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, tổ hợp tác. 
Bên cạnh đó, cùng với việc phấn đấu phát triển mới 1.500 tổ hợp tác, 175 hợp tác xã, 10 Liên minh Hợp tác xã vào năm 2020, các quỹ tín dụng nhân dân cần chú trọng thúc đẩy tạo các nguồn vốn, tham gia tích cực 7 chương trình đột phá của thành phố bằng những giải pháp cụ thể, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế thành phố. 
Theo ông Lê Thanh Liêm, nhằm phát triển và mở rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, các Liên minh Hợp tác xã cần phát huy vai trò tổ chức, cầu nối vận động và kêu gọi người dân tích cực xây dựng, phát triển hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, tổ hợp tác. Ngoài ra, tham gia hoàn thiện các khung pháp lý, cơ chế chính sách về phát triển hợp tác xã, quan tâm đào tạo đội ngũ quản trị hợp tác xã chuyên nghiệp đáp ứng cơ chế thị trường trên mọi lĩnh vực./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục