Khi vốn chính sách về với người khuyết tật

09:13' - 18/08/2017
BNEWS “Nếu bạn là người bình thường, kiếm được việc làm là vui rồi, nhưng những người khuyết tật tưởng như phải sống "tầm gửi" nay có việc làm thì bạn không thể hình dung họ sẽ vui đến cỡ nào”.

Dưới cái nắng gay gắt của trưa hè Bắc bộ, hơn 20 chị em phụ nữ tại xưởng may của chị Nguyễn Thị Thu Hà ở xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội dường như quên hẳn những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên trán, họ vẫn miệt mài bên những chiếc máy khâu. Điều đặc biệt mà ít ai có thể nhận ra ngay là xưởng may này có tới non nửa nhân lực là chị em phụ nữ khuyết tật.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà . Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS
Là người chịu ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam từ cha mình, chị Nguyễn Thị Thu Hà đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật huyện Quốc Oai. Bên ấm trà xanh, chị Hà chia sẻ, “cơ ngơi” này của chị được khởi xướng từ năm 2009 và đó là cả một câu chuyện dài đầy xúc động.
Nhớ lại những ngày đầu tiên lập nghiệp, chị Hà kể, học hết lớp 12, chị thi trượt đại học và đi học nghề may. Năm 1998, chị làm việc cho công ty may, thời gian ca kíp vất vả nên 1 năm sau đó chị quyết tâm mở xưởng may riêng.
Khi ấy vốn ít nhưng chị Hà nghĩ vốn có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, lấy ngắn nuôi dài. Đầu tiên chỉ có 5 máy, nhưng với quyết tâm và sự chăm chỉ, dần dần đến nay đã có 25 đầu máy khâu. Mặt hàng may của chị chủ yếu là ví da và túi da xuất khẩu.
Năm 2010, được các chú, các bác Hội người khuyết tật của huyện Quốc Oai động viên, chị bắt đầu tham gia câu lạc bộ người khuyết tật của huyện. Khi tham gia, xưởng may của chị Hà bắt đầu tiếp nhận 2 người khuyết tật.
Và ý định giúp đỡ những người khuyết tật có việc làm đã thôi thúc chị Hà mở rộng xưởng may và khao khát đón nhận, tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh giống mình. Điều chị khao khát hơn cả lúc này là vốn đầu tư. “Giấc mơ” với người khuyết tật được ấp ủ và lên kế hoạch sẵn sàng nhưng điều khó nhất là đồng vốn.
Rồi như một cơ duyên, năm 2012, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách Xã hội đã “bén duyên” với xưởng may của chị Hà. Được vay 20 triệu đồng từ chi nhánh Ngân hàng chính sách Xã hội huyện Quốc Oai, chị Hà đầu tư thêm được 3 chiếc máy khâu.
Năm 2015, sau khi trả hết gốc và lãi chị Hà vay tiếp 20 triệu đồng nữa, cứ như vậy, xưởng may của chị Hà ngày một lớn thêm và nhiều chị em phụ nữ có thêm cơ hội hợp tác với chị và có thu nhập ổn định.
Nhiều chị em đã có thu nhập ổn định từ xưởng may của chị Hà. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS
Điều đáng quan tâm là nhờ mở rộng xưởng may, nhiều người khuyết tật đã được chị tạo việc làm, có thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, xưởng của chị Hà đã tiếp nhận 10 người khuyết tật. Có vài trường hợp bị nặng không thể đi lại được thì chị đầu tư máy cho họ mang hàng về nhà làm. “Giấc mơ” dường như đã thành hiện thực và nó như ngọn lửa soi đường để chị không ngừng bước tiếp.
“Bản thân tôi cũng là người đang chịu những di chứng do chất độc da cam để lại. Tuy nhiên, tôi may mắn hơn nhiều người khác là được đi học, có sức lao động. Tôi nghĩ những người khuyết tật yếu thế không làm được thì khổ lắm, mình còn sức thì giúp đỡ những người yếu hơn mình để họ có thu nhập, cuộc sống ý nghĩa, không phụ thuộc vào người khác. Chính vì thế, nguyện vọng của tôi là giúp được càng nhiều người càng tốt, chỉ tiếc là sức có hạn”, chị Hà nghẹn ngào nói.
Người chứng kiến toàn bộ quá trình lập nghiệp của chị Hà là ông Cấn Văn Các, Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Quốc Oai. Khi nói đến câu chuyện về chị Hà, gương mặt ngoại lục tuần của người khuyết tật này đầy tự hào và cảm xúc.
Ông Các nói: “Nếu bạn là người bình thường, bạn kiếm được việc làm cho thu nhập nghĩa là bạn vui rồi, nhưng những người khuyết tật tưởng như phải sống "tầm gửi" nay có việc làm, có thu nhập thì bạn không thể hình dung họ sẽ vui đến cỡ nào”.
“Đây là sự động viên cả về tinh thần lẫn vật chất để người khuyết tật vươn lên, hoà nhập với cộng đồng, tự tin và góp phần nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội”, ông Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Quốc Oai nói thêm.
Từ năm 2012 đến nay Hội người khuyết tật huyện Quốc Oai đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp đỡ được trên 60 hộ người khuyết tật được vay vốn ưu đãi. Đến nay dư nợ trên 1,2 tỷ đồng. Điều đáng trân trọng hơn cả là 5 năm qua không có trường hợp nào vi phạm như trả lãi gốc chậm hay nợ xấu.
“Phải ghi nhận việc người khuyết tật được vay vốn ưu đãi như “nắng hạn lâu ngày gặp cơn mưa rào”. Số tiền được vay không lớn nhưng đã làm cho người khuyết tật vui hẳn lên, nhiều hộ đã thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện rõ rệt, có việc làm cho thu nhâp ổn định. Vốn ưu đãi đã giúp người khuyết tật tiếp tục cố gắng vươn lên, tự tin hơn để hoà nhập vào các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội”, ông Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Quốc Oai nói.
Chia tay chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu Hà vẫn đau đáu nhìn về phía xưởng may với khát khao cơ ngơi này được mở rộng thêm để nhiều người khuyết tật có thêm cơ hội làm việc, được sống một cuộc đời có ích hơn.
Chị rưng rưng nói: “Trong làng tôi còn nhiều người yếu chân lắm, tôi muốn có thêm vốn để đầu tư máy cho họ có thêm thu nhập, còn sức khoẻ tôi sẽ còn tiếp tục cố gắng để mở rộng xưởng may”.
Điều đơn giản vậy thôi, nhưng khiến cả đoàn công tác chúng tôi ai cũng thấy mình có điều gì đó thua kém chị. Chúng tôi hiểu điều quan trọng hơn cả là tấm lòng giữa người với người, như một nhạc sĩ từng viết, sống trong đời sống luôn cần có một tấm lòng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục