Khắc phục ô nhiễm môi trường do nuôi tôm siêu thâm canh

09:34' - 15/07/2018
BNEWS Thời gian qua, việc nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Trà Vinh phát sinh tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, khiến nhiều địa phương lo ngại.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, kết quả khảo sát thực tế và kết quả phân tích mẫu nước thải đầu ra tại các ao nuôi tôm trên địa bàn tỉnh so với quy chuẩn QCVN 02-19:2014/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, một số mẫu nước có thông số vượt giới hạn cho phép.

Cụ thể, có 4/7 mẫu kiểm tra có chất rắn lơ lửng vượt từ 1,1 - 3,8 lần, 2/7 mẫu có chất hữu cơ vượt 2,2 - 2,4 lần, 1/7 mẫu có Coliforms vượt 8,6 lần.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã ban hành hướng dẫn quy trình nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao áp dụng cho mùa vụ nuôi tôm năm 2018 và yêu cầu người nuôi tuân thủ.
Các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phải có diện tích công trình tối thiểu 10 ha để xây dựng các ao ương; ao nuôi; ao chứa/lắng; ao xử lý nước thải, chất thải rắn và hệ thống cung cấp oxy.
Cùng với các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra các hộ nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định, tránh ảnh hưởng môi trường cộng đồng.
Ông Lư Phước Hiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian tới, ngành sẽ bổ sung một số điểm quan trắc môi trường đối với các khu vực nuôi tôm để cảnh báo, đề xuất biện pháp quản lý. Ngành cũng tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện hỗ trợ tập huấn chuyên môn về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý môi trường cấp huyện, xã.
Đối với dự án quy mô từ 0,5 - 10 ha mặt nước, hộ nuôi hoặc cơ sở phải làm thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cấp huyện, trường hợp diện tích lớn hơn 10 ha phải làm thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh liên tục mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức siêu thâm ứng dụng công nghệ cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng 350 ha nuôi tôm siêu thâm canh, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2017.
Qua khảo sát, nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao năng suất đạt rất cao, bình quân 40 tấn/ha/vụ, tăng từ 7-8 lần so với cách nuôi thông thường. Cùng với đó, kích cỡ và chất lượng tôm nuôi cũng cao hơn nên người nuôi thu lợi nhuận gấp 2 lần trở lên so với cách nuôi truyền thống. Theo khảo sát mới đây của ngành nông nghiệp, trên 95% diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh thời gian qua đạt hiệu quả cao.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh Trần Trí Dũng, việc nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh hiện nay rất có triển vọng, nâng cao giá trị ngành hàng tôm, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh theo dõi chặt chẽ vấn đề môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tích cực vận động các hộ, cơ sở nuôi tuân thủ các giải pháp bảo vệ môi trường, tránh phát triển “nóng” vượt tầm kiểm soát, dẫn đến môi trường xuống cấp.
Tôm nước lợ là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Trà Vinh. Vụ nuôi tôm năm 2017, sản lượng tôm nuôi (sú và thẻ chân trắng) ở Trà Vinh đạt hơn 45.000 tấn. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng tôm nước lợ đạt 70.640 tấn/năm và đến năm 2030 đạt 103.340 tấn/năm.
Theo đó, tỉnh phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiệu quả, chất lượng và bền vững; góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích người dân thực hiện mô hình này. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục