IMF và WB kêu gọi cải cách để đề phòng các cú sốc tương lai

11:29' - 13/10/2017
BNEWS Chủ tịch WB Jim Yong Kim và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde kêu gọi các nước tiến hành cải cách để đề phòng các "cú sốc" có thể xảy đến trong tương lai.
 Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ ngày 12/10. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde kêu gọi các nước trên thế giới cần tiến hành cải cách ngay khi nền kinh tế toàn cầu đang "khỏe mạnh".

Phát biểu ngày 12/10 tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị thường niên IMF - WB về kinh tế toàn cầu diễn ra ở thủ đô Washington (Mỹ), các lãnh đạo của hai thể chế tài chính trên cho rằng các nước trên thế giới cần giải quyết tình trạng nợ công tăng cao và bất bình đẳng sâu sắc hiện nay, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu xảy đến sau khi kỷ nguyên vay tiền với lãi suất thấp kết thúc.

Những cuộc cải cách mà ông Kim và bà Lagarde nói tới bao gồm giảm nợ công và giảm sự phụ thuộc vào các dòng vốn không ổn định, làm gia tăng giá của các loại tài sản đầu tư như chứng khoán và bất động sản.

Bên cạnh đó là việc ý thức về các nguy cơ nảy sinh cùng với những thay đổi trong công nghệ, có thể nhanh chóng làm mất tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp hùng mạnh trong những quốc gia đang nỗ lực leo lên "nấc thang" kinh tế cao hơn.

Trong phát biểu của mình, ông Jim Yong Kim cho biết dù thương mại đang "lấy lại đà" nhưng đầu tư vẫn còn yếu, đồng thời bày tỏ lo ngại "những nguy cơ như sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, sự không chắc chắn trong chính sách kinh tế, hoặc những nguy cơ xáo trộn trên thị trường tài chính có thể làm trệch đà phục hồi mong manh này".

Chủ tịch WB nhấn mạnh các nước cần xây dựng khả năng ứng phó trước các thách thức chồng chất mà thế giới đang phải đối mặt, như biến đổi khí hậu, nạn đói, và thảm họa thiên tai như những trận siêu bão làm suy yếu các nền kinh tế ở vùng Vịnh Caribê vừa qua.

Về phần mình, bà Lagarde cho biết nhiều dấu hiệu cho thấy năm 2017 sẽ là năm tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ 2010 và IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3,6% trong năm nay và 3,7% trong năm 2018.

Tuy nhiên, bà cho biết dù kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng 47 quốc gia vẫn tăng trưởng âm trong năm vừa qua, và nhiều trong số này là các nền kinh tế nhỏ và mong manh, vì vậy "giờ không phải là lúc để tự mãn".

Theo Tổng Giám đốc IMF, các nước cần đưa ra những quyết định chính sách có thể giúp tăng số người được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, qua đó làm cho đà phục hồi này bền vững hơn.

Bà nhấn mạnh những vấn đề cấp bách cần giải quyết là sự bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo, vốn kéo theo các căng thẳng chính trị và làm gia tăng sự hoài nghi đối với các lợi ích của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại mà IMF và WB ủng hộ.

Tổng Giám đốc IMF hối thúc các nước nỗ lực hơn nữa nhằm giảm bất bình đẳng và cho rằng cách tốt nhất là thu hẹp khoảng cách về giới trong thị trường lao động, cũng như khả năng tiếp cận với các nguồn tài chính.

Một chủ đề quan trọng trong 3 ngày họp tới (bao gồm cả một cuộc họp với các bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới - G20) là cần tăng mạnh nguồn vốn để WB thực hiện cho vay phục vụ phát triển.

Các nước châu Âu cũng sẽ hối thúc G20 thảo luận cách thức đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple, Amazon và Facebook.

Hội nghị thường niên IMF - WB diễn ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như những lo ngại về địa chính trị như cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, các cuộc xung đột tại Trung Đông, cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của vùng Catalunya ở Tây Ban Nha và nhiều điểm nóng khác...

Nhiều lãnh đạo tài chính thế giới đang lo lắng về việc chính quyền Tổng thống Mỹ Trump sẽ theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết" như thế nào và liệu các chính sách này có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu hay không khi làm gia tăng sức ép bảo hộ thương mại, cũng như các xáo trộn thị trường xuất phát từ những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Triều Tiên và nhiều nơi khác.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati cảnh báo các lực lượng chống thương mại "rất đáng lo ngại" ở các nước đang phát triển. Bà nhấn mạnh rằng thương mại có khả năng giảm mạnh nghèo đói và có thể đưa các nước có thu nhập thấp lên mức thu nhập trung bình và trở thành các nước giàu.

Liên quan đến nền kinh tế châu Âu, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của IMF Maurice Obstfeld  cảnh báo nguy cơ "rối loạn" trong lòng châu Âu nếu Anh và EU không thể giải quyết ổn thỏa những khác biệt trong quá trình đàm phán Brexit.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi EU "đoàn kết hơn và tham vọng hơn" trong bối cảnh châu lục này đang ở trong một giai đoạn khó khăn khi chủ nghĩa dân tộc gia tăng.

Ông gợi ý các nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) nên noi gương mô hình thống nhất của Mỹ - một đất nước lớn với nền kinh tế hùng mạnh, tăng trưởng, việc làm, giáo dục, đầu tư và đổi mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục