IMF: “Brexit” là một trong bảy rủi ro tiêu cực của kinh tế thế giới

05:39' - 23/04/2016
BNEWS Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa lên tiếng cảnh báo rằng việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là "Brexit") sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho khu vực và toàn cầu.
IMF cảnh báo việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho khu vực và toàn cầu. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới, IMF đánh giá "Brexit" sẽ làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại đã được xác lập và gây ra "những thách thức lớn" cho cả nước Anh và phần còn lại của châu Âu.

Thiết chế tiền tệ lớn hàng đầu thế giới này cũng cho rằng cuộc trưng cầu ý dân để cử tri lựa chọn ra đi hay ở lại với EU mà nước Anh lên kế hoạch vào ngày 23/6 tới hiện đã gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư và một kết quả "ra đi" sẽ càng khiến sự bất ổn này gia tăng.

Theo IMF, nếu cuộc trưng cầu ý dân cho kết quả nước Anh rời khỏi EU thì các cuộc thương lượng nhằm đạt được các thỏa thuận hậu "Brexit" sẽ kéo dài, không chỉ tác động nặng nề tới lòng tin người tiêu dùng và giới đầu tư mà còn làm tăng tính dễ tổn thương của thị trường tài chính.

IMF cảnh báo rằng việc nước Anh rời khỏi EU sẽ "làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại song phương", thu hẹp lợi ích có được từ việc hội nhập và hợp tác kinh tế như những gì các nền kinh tế đang có được hiện nay.

Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng nhu cầu trong nước - vốn được thúc đẩy nhờ giá năng lượng thấp hơn và thị trường bất động sản đang lên - sẽ giúp hạn chế bớt tác động đối với tăng trưởng của nước Anh trước thềm cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF hạ dự báo tăng trưởng của nước Anh trong năm nay xuống 1,9%, từ mức ước tăng 2,2% đưa ra hồi tháng Một. Dự báo tăng trưởng của "xứ sở sương mù" trong năm 2017 được giữ nguyên ở mức 2,2%.

Đánh giá của các tổ chức khác về nguy cơ "Brexit" khá khác nhau. Trước đó, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's nói rằng tác động của việc nước Anh rời EU sẽ "nhỏ" và không nhiều khả năng dẫn tới mất việc làm hàng loạt.

Tuy nhiên, Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) - tổ chức đại diện các doanh nghiệp ở "xứ sở sương mù" - cảnh báo rằng "Brexit" có thể gây tổn thất cho nền kinh tế Anh khoảng 100 tỷ bảng và gần 1 triệu việc làm.

Phản ứng trước thông tin trên, những người muốn Vương quốc Anh ở lại với Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ quan điểm của IMF và cảnh báo rằng nếu chọn “Brexit”, nước Anh sẽ một bước đến với “bóng tối”.

Thủ tướng Cameron cho hay “quan điểm của IMF là đúng đắn và việc rời khỏi EU sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho kinh tế Anh. ‘Xứ sở sương mù’ sẽ mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và tốt hơn khi ở lại với EU”.

Đồng quan điểm với Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Anh (BoE) Mark Carney hồi tháng trước cũng cho rằng “Brexit” sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính nước Anh.

Vào thời điểm cuối tháng 2/2016, sau khi London thông báo thời gian tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, đồng bảng Anh đã giảm 5% so với đồng euro trong khi tỷ giá đồng bảng Anh/USD cũng “rơi” xuống mức thấp nhất của bảy tháng.

Còn những người nói “Có” với “Brexit” cũng có quan điểm riêng khi cho rằng những ước tính của IMF đối với tăng trưởng kinh tế Anh được đưa ra dựa trên giả định kỳ quặc và sai lầm về cái gọi là chiến tranh thương mại trong tưởng tượng.

Matthew Elliot, người đứng đầu Vote Leave, chiến dịch vận động bỏ phiếu ủng hộ nước Anh rời khỏi EU, nhấn mạnh rằng rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế và an ninh của nước Anh chính là ở trong một EU không được cải cách và không có khả năng giải quyết những khó khăn nội khối như cuộc khủng hoảng di cư hay những vấn đề đối với đồng tiền chung euro.

Trong báo cáo của IMF, “Brexit” được xếp như một trong bảy “rủi ro tiêu cực” chính của kinh tế thế giới, có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin và đầu tư cũng như làm tăng tính dễ tổn thương của các thị trường tài chính.

Tại nước Anh, dư luận cũng đang “rẽ nhánh” về vấn đề “Brexit”. Đặc biệt, ngay trong Nội các của Thủ tướng Cameron cũng đã xuất hiện hai luồng ý kiến, trong đó có đến năm bộ trưởng muốn nói “Có” với việc chia tay EU.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục