Hướng tới các phân khúc thị trường gạo có giá trị cao

13:30' - 21/07/2018
BNEWS Từ đầu năm đến nay, lúa gạo Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt nhờ sự đi đúng hướng vào các sản phẩm chất lượng cao.

Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ.

Lúa gạo Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN

Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo của các nước đang có xu hướng giảm do nguồn cung liên tục được bổ sung trong khi nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm. Do vậy, các doanh nghiệp cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.

*Tăng trưởng ấn tượng

Trong nửa đầu năm 2018 đã ghi nhận sự chuyển biến đáng kể đối với chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu tăng đối với các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, và giảm ở loại gạo phẩm cấp trung bình (gạo trắng 5% tấm).

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho rằng, ngành lúa gạo của Việt Nam đang có những chuyển biến khá lạc quan, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương đã giúp nâng cao chất lượng lúa gạo.

Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao theo từng năm.

Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng và hiện đạt mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho rằng, chưa bao giờ xuất khẩu gạo Việt Nam có sự khởi sắc với sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu như vậy.

Quá trình chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu giống lúa theo hướng ưu tiên giống chất lượng cao đã làm thay đổi cục diện xuất khẩu gạo Việt Nam vừa qua, giúp hạt gạo Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

“Vụ Đông Xuân 2017- 2018 vừa qua chúng ta đã khá thắng lợi, cả về sản lượng và cơ cấu giống, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ xuất khẩu. Trong những vụ sản xuất gần đây, cơ cấu giống lúa sản xuất được Cục Trồng trọt và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng sản xuất phù hợp theo từng vùng sinh thái, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Nhờ đó, chất lượng gạo xuất khẩu ngày một được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường”, ông Thạch cho hay.

Bên cạnh tăng trưởng về lượng thì giá gạo xuất khẩu trong 5 tháng cũng tiếp tục tăng, đạt trên 502 USD/tấn. Giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam đạt 458-462 USD/tấn vào thời điểm trung tuần tháng 5 – là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua và cao hơn gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ là 404-408 USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 435-440 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng tăng, chiếm trên 80%.

Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt đạt 3,56 triệu tấn với 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, đây là thành quả của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Năm nay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng với gần 33.000 ha trồng lúa sang cây trồng khác nhưng vụ Đông Xuân vẫn cho sản lượng sản lượng đạt 20,5 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn (tăng 5,7% so vụ Đông Xuân năm trước và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây).

Nhờ sự chuyển biến trong điều hành sản xuất, năng suất tăng cộng với những yếu tố thuận lợi của thị trường với nhiều đơn hàng lớn với giá cao đã giúp gạo Việt khởi sắc.

Giá cao này làm cho sản lượng xuất khẩu mặc dù chỉ tăng 25% nhưng kim ngạch kim ngạch xuất khẩu tăng 42%. Nhờ vậy, lợi nhuận của người sản xuất lúa tăng 30-40%.

*Thị trường có xu hướng chững lại

Trái ngược với sự sôi động trong những tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo và giá lúa gạo nội địa đang có xu hướng chững lại trong thời gian gần đây.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng và hiện đạt mức cao. Ảnh: Duy Khương-TTXVN

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gần một tháng nay, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “ở không”, do thị trường “vắng bóng” người mua.

Đơn cử như loại gạo OM5451, nếu như đầu năm nay được bán với giá trên 510 USD/tấn thì nay các đối tác chỉ trả 450 USD/tấn, họ vẫn chờ giá gạo Việt xuống mới mua.

Không chỉ vậy, giá gạo nếp cũng đang lao dốc xuống thấp, do phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc còn nhiều và bị ảnh hưởng từ chính sách thay đổi thuế nhập khẩu lương thực của nước này.

Hiện giá gạo nếp đang bị ép xuống chỉ còn 380USD/tấn, thấp hơn so với mức giá nội địa cũng như giá thành sản xuất của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, nguyên nhân khiến giá lúa gạo của Việt Nam sụt giảm mạnh, chủ yếu là do gạo Việt Nam luôn có mức giá cao so với gạo cùng chủng loại của một số nước trong khu vực trong một thời gian dài. Điều này đã khiến gạo Việt khó cạnh tranh về giá.

Sau khi trúng thầu các hợp đồng tập trung cho Indonesia và Philippines hồi đầu năm, giá lúa gạo trong nước trở nên sôi động giá gạo luôn đứng ở mức cao.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến gạo Việt Nam bị rớt thầu trong vụ đấu thầu 250.000 tấn của Philippines hồi tháng 3/2018. Sau thời điểm này, giá gạo trong nước giảm dần, nhưng cũng khó bán.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cũng cho biết, việc giá gạo Việt đang ở mức thấp so với hồi đầu năm chủ yếu là do các doanh nghiệp đã thực hiện xong các hợp đồng đã ký trước đó, trong khi nhu cầu thị trường hiện lại không có.

Năm nay, sản lượng lúa gạo của các nước hầu như đều tăng cao so với năm ngoái nên khó có sự đột biến về thị trường.

Đơn cử như, Bangladesh ngay từ đầu năm ngoái đã nhập khẩu gạo và Chính phủ nước này phải đàm phán mua gạo từ một số nước châu Á nhưng sang năm 2018 vẫn chưa nhập lô nào.

Một số nước khác đã phải thiết lập thuế nhập khẩu gạo để bảo vệ ngành lúa gạo trong nước, do sản lượng lúa gạo nội địa phục hồi.

Điều này đã khiến thương mại gạo thế giới ít có sự sôi động, tác động mạnh đến thị trường lúa gạo trong nước.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, mặc dù giá lúa gạo nội địa hiện đang ở mức thấp và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang vào đợt thu hoạch vụ Hè Thu, thế nhưng nhiều doanh nghiệp không dám thu mua nguyên liệu.

Họ lo ngại nếu mua đồng loạt thì giá lại tăng cao, khi đó lại khó cạnh tranh về giá hơn khi xuất khẩu. Điều này càng khiến thị trường lúa gạo nội địa, người nông dân gặp nhiều khó khăn hơn trong vụ Hè Thu này.
Dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho thấy, khả năng giá lúa gạo trong nước từ nay đến cuối năm khó giữ ở mức cao như giai đoạn đầu năm, do tình hình sản xuất lúa gạo thế giới tăng trưởng khá dẫn tới nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước có xu hướng giảm.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2018-2019 sẽ tăng khoảng 1,3%, lên mức kỷ lục đạt 633 triệu tấn; trong đó, lượng tồn trữ từ niên vụ 2017/2018 tăng 5% so với một năm trước đó.

Trong khi, tồn trữ gạo thế giới cuối vụ dự kiến đạt 144,7 triệu tấn, tăng 900.000 tấn so với vụ 2017/18, là năm thứ 11 liên tiếp tăng vào cao nhất kể từ năm 2000/2001 (khi đạt 146,7 triệu tấn).
Nhiều nước dự báo tăng sản lượng như Bangladesh, Miến Điện, Cambodia, Indonesia, Madagascar, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam và Philippines. Như vậy, xuất khẩu gạo trong nửa cuối năm có thể sẽ gặp khó khăn, do giá được dự báo sẽ giảm tiếp do nguồn cung được bổ sung từ các nước.

“Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu để đảm bảo ổn định giá trong vụ Hè Thu sắp tới. Đồng thời, tiếp tục nâng tầm chất lượng gạo hướng tới các phân khúc thị trường có giá trị cao”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến nghị.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, để giữ vững giá trị gạo Việt trong thời gian tới, gạo chất lượng cao vẫn chiếm chủ yếu, gạo thường sẽ không quá 20% trong cơ cấu xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục