Hướng tới an toàn lương thực, sức khỏe con người và động vật

13:45' - 30/05/2018
BNEWS Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các nỗ lực trong nước và khu vực, rà soát kết quả thực hiện Chiến lược khống chế và loại trừ bệnh dại khu vực ASEAN (ARES).
Hướng tới an toàn lương thực,sức khỏe con người và động vật. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nhằm rà soát tiến độ triển khai thực hiện Chiến lược Một sức khỏe Quốc gia 2016- 2020, cũng như thúc đẩy xây dựng chính sách cho các vấn đề trọng tâm của ngành và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, ngày 30/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế cùng các đại diện nhà tài trợ tại Việt Nam tổ chức diễn đàn "Một sức khỏe" năm 2018.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, năm 2018 hứa hẹn sẽ tiếp tục là năm bản lề trong thực hiện Một sức khỏe. Để tiếp tục nâng cao vị thế của quốc gia trong vai trò nước dẫn đầu trong phòng chống dại của Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đang tích cực thúc đẩy các nỗ lực trong nước và khu vực, khởi động rà soát kết quả thực hiện Chiến lược khống chế và loại trừ bệnh dại khu vực ASEAN (ARES), cũng như tổ chức một hội nghị khu vực cho chiến lược này vào cuối năm nay

Bên cạnh đó, việc thực hiện "Một sức khỏe" trong các lĩnh vực khác như: kháng kháng sinh, cúm và các bệnh truyền lây ưu tiên khác vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có những tín hiệu hợp tác quốc tế tích cực.

“Việc tham gia các công cụ đánh giá của quốc tế như: công cụ đánh giá độc lập chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công cụ đánh giá hoạt động dịch vụ thú y của Tổ chức Y tế Thế giới và công cụ đánh giá tài chính an ninh y tế của Ngân hàng Thế giới,... vẫn đang tiếp tục được triển khai”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, ở cấp khu vực, Chính phủ cũng đã có những cam kết mạnh mẽ và hứa hẹn nhiều triển vọng. Ngày 17/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Hiệp định thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về thú y và bệnh truyền lây từ động vật sang người.

Đây là một sáng kiến của các quốc gia Đông Nam Á nhằm tạo ra một khuôn khổ hợp tác chung cho việc phòng ngừa, kiểm soát và loạt trừ các dịnh bệnh xuyên biên giới và các bệnh lây từ động vật sang người. Từ đó, hướng đến mục tiêu an ninh và an toàn lương thực, sức khỏe con người và động vật; xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và sinh kế của người dân các quốc gia ASEAN.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phát huy vai trò chủ trì để phối hợp với các cơ quan liên quan khác tổ chức triển khai hiệp định này”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho hay, năm 2017, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 của gói hành động phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người (ZDPA) tại Đà Nẵng trong vai trò đồng chủ trì cùng Indonesia và Senegal.

Tiếng vang sau hội nghị này đã tiếp tục đưa tên tuổi Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, cũng như góp phần đưa ZDAP được ghi nhận là một trong những gói hành động tiêu biểu trong số 11 gói hành động của Chương trình An ninh y tế toàn cầu tại Hội nghị Bộ trưởng cấp cao được tổ chức tại Uganda.

Cũng theo tuyên bố Kampala, Chương trình An ninh y tế toàn cầu cam kết mở rộng đến năm 2024 là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục vận động nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh.

Mục tiêu của kế hoạch "Một sức khỏe" là tăng cường năng lực trong phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ảnh: TTXVN

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, liên quan đến khung pháp lý và việc chỉ đạo triển khai hoạt động "Một sức khỏe", trong thời gian qua, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản pháp lý làm cơ sở để thực thiện như: Luật phòng chống bệnh truyện nhiễm; Luật Thú y; những thông tư liên tịch giữa 2 ngành y tế và nông nghiệp số 16/2013 về hướng dẫn phối hợp giám sát và phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người; Thông tư số 13/2013/TT- BYT hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm; Điều lệ Y tế quốc tế;...

Mục tiêu của kế hoạch "Một sức khỏe" là tăng cường năng lực trong phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đồng thời đẩy mạnh dự phòng các trường hợp khẩn cấp đối với bệnh có nguồn gốc động vật trên người.

Cùng đó, vận dụng nguyên tắc "Một sức khỏe" nhằm hạn chế tác động của các bệnh có nguồn gốc từ động vật đến sức khỏe cộng đồng.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin về các hoạt động thú y thực hiện chiến lược Một sức khỏe đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và vấn đề kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, năm 2018, Cục Thú y đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kinh phí phòng, chống bệnh dại năm 2018 ở mức 2,5 tỷ đồng.

Đồng thời, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tiếp tục quản lý đàn chó nuôi và tổ chức tiêm phòng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,...

Bà Thủy cũng cho biết, đối với việc phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Việt Nam đã cấm sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng từ tháng 1/2018 và đến hết năm 2020 sẽ không cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích phòng bệnh... ./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục