Hướng đến mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho doanh nghiệp

13:40' - 12/04/2018
BNEWS “Điện đi trước một bước” luôn là mục tiêu mà ngành điện đang hướng tới.
Trong những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng nhanh. Nhiều khu công nghiệp có quy mô lớn yêu cầu cung cấp điện tăng cao cả về sản lượng và chất lượng điện năng.
Trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 3.
Đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các khu công nghiệp lớn của đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành điện nói chung và của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói riêng, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, từ đó thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Trên thực tế, “Điện đi trước một bước” luôn là mục tiêu mà ngành điện đang hướng tới. Vì thế, thời gian qua ngành điện đã đầu tư lớn cho hạ tầng điện nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nhu cầu và chất lượng điện của nhà đầu tư.
Mới đây, nhà đầu tư Samsung tại Khu công nghiệp Yên Phong - Bắc Ninh, ông Kweon Yuong Chan Tổng Giám đốc Samsung Display Vietnam đã gửi thư cám ơn đến Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Truyền tải điện 1 và Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, để bày tỏ cảm kích trước sự nhiệt tình và nỗ lực của ngành điện trong việc đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư, đảm bảo sự an toàn, tin cậy hơn trong cung cấp điện.
Đây chỉ là một trong số những ghi nhận tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với hoạt động đầu tư, cấp điện cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên cả nước của ngành điện.
Tại Lễ Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vừa qua, chất lượng cung cấp điện năng đã được VCCI đánh giá có những cải thiện quan trọng để tiếp tục duy trì vị trí đứng thứ hai trong hai năm liên tục 2016, 2017 trong số các dịch vụ công được đo lường của Chỉ số cơ sở hạ tầng.
Việc cung cấp điện năng xếp thứ 2 với 74% doanh nghiệp hài lòng, tăng mạnh so với tỷ lệ 69% năm 2016 là một trong những dịch vụ có mức độ tăng cao nhất về mức độ hài lòng của doanh nghiệp.
Tại khu vực phía Bắc, tỉnh Bắc Ninh là địa phương có đến hàng chục khu công nghiệp đã thu hút lượng đầu tư nước ngoài lớn nhất miền Bắc, tiêu biểu như Tổ hợp Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh gồm có 2 công ty là Công ty TNHH Samsung Electronics Vietnam (SEV) và Công ty TNHH Samsung Display Vietnam (SDV). Các nhà máy của 2 công ty nằm trong Khu công nghiệp Yên Phong - Bắc Ninh với lượng điện tiêu thụ công suất lớn và yêu cầu rất cao về chất lượng, tính ổn định.
Trạm biến áp 500kV Đông Anh.
Chia sẻ về những dấu ấn trên, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia cho hay, để đáp ứng yêu cầu cao về điện của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung và Khu công nghiệp Yên Phong nói riêng, vừa qua Tổng công ty đã đóng điện đưa vào vận hành 2 máy biến áp 220kV với tổng dung lượng 500 MVA để tăng cường công suất cho phụ tải. Cụ thể, ngày 12/1/2018 đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp 220kV thứ 2, công suất 250 MVA tại Trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 3, vượt tiến độ hơn 1 tháng; ngày 21/3/2018 đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp 220kV, công suất 250 MVA tại Trạm biến áp 500kV Đông Anh đảm bảo tiến độ đề ra.
Trước đó, trong năm 2017, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã đóng điện đưa vào vận hành các công trình đường dây và trạm biến áp truyền tải điện quan trọng, cấp điện cho tỉnh Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội, bao gồm: Đường dây 500kV/220kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2; Trạm biến áp 500kV Đông Anh; Trạm biến áp 220kV Đông Anh; Trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 3 (tháng 6/2017).
Ông Nguyễn Tuấn Tùng cũng cho biết thêm, sắp tới, để hỗ trợ cấp điện cho khu vực tỉnh Bắc Ninh nói chung và cấp điện cho tổ hợp Samsung nói riêng, đơn vị sẽ lắp đặt thêm 1 máy biến áp 500kV, công suất 900MVA tại Đông Anh; 1 máy biến áp 220kV, công suất 250MVA và 2 ngăn lộ 110kV tại trạm 500kV Hiệp Hòa. Dự kiến, các công trình sẽ được đóng điện trong năm 2018 này.
Đồng thời, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ xây dựng mới Trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 4 và Bắc Ninh 5 trong thời gian tới. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng mới các trạm biến áp 220kV với các máy biến áp công suất 250 MVA theo nhu cầu tăng trưởng khu vực. Cụ thể như: Trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 4 với công suất 250 MVA; đường dây đấu nối 2 mạch 220kV dài khoảng 17 km đấu nối vào 2 ngăn lộ 220kV từ trạm biến áp 500kV Đông Anh, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2019 và hoàn thành đóng điện các năm 2020, 2021. Trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 5 với công suất 250 MVA; đường dây đấu nối 2 mạch dài khoảng 0,5 km sẽ được đấu nối trên một mạch của đường dây mạch kép từ trạm biến áp 500kV Phố Nối – 220kV Bắc Ninh 2, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2022 và hoàn thành đóng điện năm 2023”, ông Tùng nói.
Còn theo đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc, đơn vị đang tiếp tục triển khai đầu tư các Trạm biến áp 110kV để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho các khu công nghiệp ở miền Bắc. Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng đề nghị phía Samsung phối hợp triển khai một số hạng mục như: Đầu tư đường cáp 22kV dự phòng từ các trạm biến áp 110kV khác nhau, lắp đặt các thanh cái phía 22kV trong nhà máy, có thể kết nối liên lạc giữa các trạm biến áp 110kV tại các Khu công nghiệp Yên Phong, Yên Bình. Ngược lại phía Samsung cần cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu công suất trong trường hợp mở rộng sản xuất để ngành điện có phương án cấp điện phù hợp.
Nhiều năm qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục ở mức cao. Chỉ tính trong quý I/2018, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5,8 tỷ USD; trong đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu với khoảng 1,84 tỷ USD. Điều này càng đặt ra yêu cầu cung cấp điện tăng cao cả về sản lượng điện và chất lượng điện năng tại các khu công nghiệp.
Không chỉ riêng với Samsung, doanh nghiệp có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong quý I/2018 vừa qua mà với nhiều khu công nghiệp khác trên địa bàn cả nước, ngành điện cũng đã có kế hoạch đi tiên phong để cung cấp điện ổn định, an toàn và hiệu quả.
Có thể kể đến như ở Hải Phòng có các dự án sản xuất pin của Vinfast, dự án nâng công suất của khu vực Đình Vũ, hay Khu công nghiệp Thủy Nguyên với 1 máy biến áp công suất 250 MVA dự kiến đóng điện trong năm 2019; tại Quảng Ninh có khu nghỉ dưỡng, Khu công nghiệp Hải Hà; hay đảm bảo cấp điện cho các nhà máy xi măng tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam).
Tại miền Trung, ngành điện cũng nỗ lực đảm bảo điện cho các dự án Tôn Hoa Sen tại Quỳnh Lưu (Nghệ An), Dự án thép của Hòa Phát tại khu Dung Quất (Quảng Ngãi), lắp đặt trạm 220kV tại Nhơn Trạch – Vũng Tàu…
Theo đại diện lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia, đối với các khu công nghiệp, dự án tại các tỉnh, Tổng công ty cũng đã có sự phối hợp với các đơn vị trong ngành và địa phương để đảm bảo đầu tư xây dựng các dự án 220kV đúng tiến độ, cung ứng điện trước khi các dự án của doanh nghiệp đi vào vận hành…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục