Hoàn thiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia để trình Chính phủ trong tháng 9 tới

12:57' - 25/06/2018
BNEWS Hoàn thiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia để trình Chính phủ trong tháng 9/2018, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018.

Hoàn thiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia để trình Chính phủ trong tháng 9/2018, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 được ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục thực hiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thủ tục gia nhập Thỏa ước LaHay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Cục phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn tài chính đối với Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; dự thảo Thông tư hướng dẫn tài chính triển khai Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ban hành Điều lệ sáng kiến.

Đồng thời, Cục sẽ đẩy mạnh phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) triển khai xây dựng Phần mềm quản trị sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS); thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử...

Bên cạnh đó, Cục đẩy mạnh việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, giảm tỷ lệ đơn tồn, nhất là đơn tồn sâu (đơn nhãn hiệu trước năm 2016, đơn sáng chế trước năm 2015).
Hiện nay, công tác tiếp nhận và xử lý đơn tăng đáng kể so với năm 2017. Tính đến hết ngày 31/5/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 41.979 đơn các loại, trong đó 24.126 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017), gồm: 2.355 đơn sáng chế; 184 đơn giải pháp hữu ích; 1.148 đơn kiểu dáng công nghiệp; 18.811 đơn đăng ký nhãn hiệu (17.663 đơn quốc gia và 2.769 đơn quốc tế thông qua Hệ thống Madrid); 2 đơn chỉ dẫn địa lý; 5 đơn thiết kế bố trí mạch tích hợp và 17.853 đơn khác, trong đó có 74 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (4 đơn sáng chế, 70 đơn nhãn hiệu).
Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý được 30.599 đơn các loại, trong đó có 16.094 đơn đăng ký xác lập quyền (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017) gồm: Chấp nhận bảo hộ cho 10.746 đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó chấp nhận bảo hộ 887 sáng chế; 109 giải pháp hữu ích; 822 kiểu dáng công nghiệp; 10.922 đơn nhãn hiệu (8.779 đơn quốc gia và 2.143 đơn quốc tế thông qua Hệ thống Madrid); 6 Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chấp nhận bảo hộ.

Đáng chú ý, Cục từ chối bảo hộ 3.348 đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó có 626 nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam và xử lý được 14.505 đơn khác, trong đó thẩm định hình thức 45 đơn đăng ký quốc tế nguồn gốc Việt Nam (gồm 4 đơn sáng chế và 41 đơn nhãn hiệu).
Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận và cấp văn bằng bảo hộ cho 11.400 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017), gồm 1.201 Bằng độc quyền sáng chế, 138 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 1150 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 8.905 Giấy chứng nhận cho 6.762 nhãn hiệu quốc gia và 2.143 đăng ký quốc tế nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid; 6 Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục