Hàn Quốc đi tìm mô hình kinh tế mới sau khủng hoảng chính trị (Phần 1)

19:38' - 20/03/2017
BNEWS “Thời đại Park Geun Hye” ở Hàn Quốc đã sang trang, tai tiếng chính trị ở Seoul hy vọng sẽ sớm được khép lại song cuộc khủng hoảng kinh tế thì chưa.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong bài phát biểu được truyền hình trên toàn quốc tại thủ đô Seoul ngày 29/11/2016. Ảnh: EPA/ TTXVN

“Choigate”, vụ bê bối chính trị liên quan đến bà Park Geun Hye và người bạn thâm niên Choi Soon Sil, đã đánh trúng vào những gì đã làm nên phép màu kinh tế Hàn Quốc. Dưới đây là phân tích của chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, bà Juliette Morillot.

Tăng trưởng tại nền kinh tế thứ tư châu Á đang khựng lại. Mô hình phát triển dựa trên sự cấu kết giữa Nhà nước và các đại tập đoàn (chaebol) bị khủng hoảng.

Bên cạnh đó, tiêu thụ nội địa tê liệt, xuất khẩu bị hàng Nhật Bản và Trung Quốc cạnh tranh. Hiệp định tự do mậu dịch song phương với Mỹ có nguy cơ bị xét lại. Đó là những thách thức lớn chờ đợi chính quyền sắp tới ở Seoul.

Vụ tai tiếng “Choigate”, không chỉ dẫn đến hậu quả là bà Park Geun Hye mất chiếc ghế tổng thống mà còn kéo theo nhiều tập đoàn tên tuổi của Hàn Quốc, những cột trụ của kinh tế nước này - từ Samsung đến Hyundai, từ LG đến Lotte hay công ty vận tải đường biển Hanjin - vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu.

Tai tiếng chính trị, liên hệ mật thiết giữa Tổng thống họ Park với người bạn thâm niên là bà pháp sư Choi Soon Sil đã nổ ra vào tháng 10/2016, đúng thời điểm Seoul liên tục giảm dự báo tăng trưởng.

Ngay cả những dự báo lạc quan nhất cũng chỉ hy vọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc năm nay tăng từ 2,4-2,6% thay vì 3% như đã loan báo trước đây.

Kinh tế Hàn Quốc bị đình trệ, tiêu thụ nội địa chững lại vì nợ nần chồng chất của các hộ gia đình, một trong những hậu quả trực tiếp của hiện tượng dân số bị lão hóa. Trong khi trao đổi mậu dịch chiếm 85% GDP toàn quốc, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 giảm 13,5% so với hồi 2014.

Trụ sở của tập đoàn Samsung ở Seoul, Hàn Quốc ngày 16/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay Seoul đã ký gần 20 hiệp định tự do mậu dịch thương mại song phương với các đối tác, trong đó quan trọng nhất là với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và cả Trung Quốc.

Ba thị trường này, theo thứ tự mua vào 20%, 14% và 9% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc - căn cứ vào thống kê của Phòng Thương mại quốc gia trong năm 2016.

Từ năm 2004 đến 2016, Trung Quốc và Hong Kong liên tục là hai thị trường quan trọng bậc nhất của hàng xuất khẩu Hàn Quốc.

Nhưng Trung Quốc đang trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các tập đoàn xứ Hàn, kể cả về các sản phẩm cao cấp. Thặng dư thương mại của Seoul với Bắc Kinh đang từ 60 tỷ USD năm 2014 đã giảm xuống chỉ còn 40 tỷ USD trong tài khóa 2016.

Với Mỹ, Seoul thở phào nhẹ nhõm khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng không có gì bảo đảm là chủ nhân Nhà Trắng để yên cho hiệp định thương mại song phương Mỹ-Hàn hiện hành từ năm 2007. Hiện tại, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Seoul.

Bên cạnh những khó khăn chồng chất vừa nêu, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài trong nhiều tháng tại Seoul và tai tiếng về mối liên hệ giữa Tổng thống Park Geun Hye với bà bạn Choi Soon Sil đã làm lộ rõ một xã hội Hàn Quốc đang ruỗng nát vì tăng trưởng kinh tế thần kỳ, vì những đại gia đình được coi là cột trụ của mạng lưới công nghiệp Hàn Quốc, vì mối liên hệ nguy hiểm giữa các đại công ty và chính quyền.

Cách đây đúng 10 năm, Chủ tịch Tập đoàn xe hơi Hyundai Chung Mong Koo từng bị tuyên án ba năm tù vì tội tham nhũng và gian lận thuế để rồi được chính Tổng thống Lee Myung Bak ân xá.

Trước khi công luận Hàn Quốc rúng động vì hình ảnh ông chủ tương lai của Samsung, Lee Jae Yong bị còng tay và hộ tống vào nhà giam, thân phụ của Jae Yong là Lee Kun Hee mùa Hè năm 2008 từng lãnh án ba năm tù vì tội trốn thuế để rồi ngót một năm sau đó con trai của sáng lập viên Tập đoàn Samsung được Tổng thống Hàn Quốc “tha tội”.

Xem tiếp: Hàn Quốc đi tìm mô hình kinh tế mới sau khủng hoảng chính trị (Phần 2)

Xem thêm:

>> Tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc cao nhất trong bảy năm

>> Bê bối chính trị tại Hàn Quốc: Triệu tập Tổng thống bị phế truất để thẩm vấn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục