Hà Nội mong muốn Ngân hàng Đầu tư châu Âu đồng hành trong phát triển đường sắt đô thị

14:55' - 10/01/2018
BNEWS Ngày 10/1, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã làm việc với ông Jonathan Taylor, Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu về việc tăng cường hỗ trợ cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3.
Ngày 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã làm việc với ông Jonathan Taylor, Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu về việc tăng cường hỗ trợ cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đang được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. 
Trước đó, ông Jonathan Taylor đã tới thăm công trình đường sắt đô thị số 3 đang được triển khai. Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu khẳng định, Việt Nam là một đất nước thành công với tốc độ phát triển nhanh. Tuy nhiên, việc giải quyết nhu cầu giao thông vận tải là một thách thức đối với Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội. Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị là một phương án phù hợp, hiệu quả, giúp giảm phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện vận tải công cộng, góp phần tiết kiệm tối đa thời gian. 
Đồng ý với quan điểm của ông Jonathan Taylor, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, kết cấu hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường là những vấn đề mà Thủ đô Hà Nội đang tích cực giải quyết. Hà Nội có mật độ dân số lớn và lượng phương tiện vận tải tăng nhanh. Hiện nay, thành phố có khoảng 10 triệu dân với hơn 6 triệu chiếc xe máy và hơn 600 nghìn ô tô. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Hà Nội. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 410 km, trong đó có 350 km nổi và gần 70 km thi công ngầm. 
Song song với phát triển hạ tầng giao thông, thành phố cũng xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. Theo đó, đến năm 2030, thành phố sẽ dừng toàn bộ xe máy trong khu vực nội đô và tập trung phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng xe buýt. 
Hà Nội đang thi công hai tuyến đường sắt đô thị là tuyến số 2A và tuyến số 3. Giai đoạn 1 của tuyến số 3 đang được triển khai với chiều dài 15 km, trong đó có 4 km ngầm, sử dụng vốn ODA từ nhiều quốc gia, trong đó có Ngân hàng Đầu tư châu Âu. 
Tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Đầu tư châu Âu ký hiệp định bổ sung cho dự án 68 triệu Euro, nâng mức hỗ trợ lên 141 triệu Euro, chiếm khoảng 15% tổng số vốn của dự án. Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã giải ngân được 50 triệu Euro và đẩy nhanh tiến độ. Hà Nội đánh giá cao năng lực và phong cách phục vụ của Ngân hàng Đầu tư châu Âu; đồng thời mong muốn được tiếp tục đồng hành với Ngân hàng Đầu tư châu Âu trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị, không chỉ với tuyến đường sắt số 3 mà cả các dự án khác sẽ triển khai trong tương lai. 
Bên cạnh đó, Hà Nội đang tập trung vào các biện pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải rắn và nước thải. Với các dự án này, một số nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu rất quan tâm và mong muốn đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư). Với kinh nghiệm hợp tác lâu dài, Hà Nội tin tưởng và mong muốn Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ cung cấp nguồn tài chính, hỗ trợ các nhà đầu tư châu Âu tham gia vào những dự án này. 
Ông Jonathan Taylor khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và Hà Nội trên các lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình. Những khoản vốn vay liên quan đến vấn đề môi trường đều hướng tới mục tiêu giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đây là lĩnh vực được Ngân hàng ưu tiên phát triển. 
Ông Jonathan Taylor cũng nhấn mạnh, trong việc thực hiện mô hình hợp tác PPP có thể có nhiều thách thức phát sinh, bởi vậy việc xây dựng cơ chế hợp tác chuẩn xác ngay từ ban đầu là một yếu tố quan trọng. Cùng với kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn của mình, Ngân hàng Đầu tư châu Âu luôn có sự tính toán, cân nhắc kỹ đến những yếu tố rủi ro; đồng thời khẳng định có thể đem đến hiệu quả cao cho các dự án được triển khai tại Hà Nội./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục