Hà Nội cần xác định giải ngân nguồn vốn đầu tư trung hạn

20:24' - 20/04/2018
BNEWS Chiều 20/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã khảo sát dự án mở rộng đường vành đai 3 từ Mai Dịch tới cầu Thăng Long và Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra tiến độ Dự án đường sắt đô thị trọng điểm Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN

Sau Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, chiều ngày 20/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã tiến hành khảo sát các dự án đầu tư công của TP. Hà Nội là Dự án mở rộng đường vành đai 3 từ Mai Dịch tới cầu Thăng Long (sử dụng ngân sách Nhà nước) và Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội (sử dụng vốn ODA).

Theo Phó Thủ tướng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch đang gây cản trở sự phát triển chung của nền kinh tế trong thời gian qua.
Thành phố Hà Nội là địa phương có nguồn vốn đầu tư trung hạn lớn so với nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai nguồn vốn này còn gặp một số vướng mắc, khó khăn, thậm chí chậm tiến độ thực hiện do vướng giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế xã hội trên địa bàn.

Để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, bất cập; đồng thời định hướng thực hiện nguồn vốn trung hạn; kịp thời báo cáo với Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công, chiều 20/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 -2020.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận thành phố Hà Nội có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo và kinh nghiệm hay trong thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị tốt quỹ nhà tái định cư; giao chủ tịch các quận, huyện thị xã chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng...
Chính phủ lựa chọn khảo sát, làm việc với TP. Hà Nội khi địa phương này cũng là thành viên của Ban soạn thảo Luật Đầu tư công, có cơ cấu vốn đầu tư công đầy đủ (gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn ngân sách, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư công trung hạn của cả nước) nên thực tế và bài học từ Hà Nội sẽ có ý nghĩa đối với Chính phủ, các địa phương khác trong khắc phục hạn chế của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2018 tổng vốn đầu tư công của Hà Nội là 42.000 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng nguồn vốn đầu tư trung hạn của cả nước.

Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố có ý nghĩa rất quan trọng, có tính quyết định toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn trong cả nước.

Với việc giải ngân nguồn vốn để thực hiện các dự án nếu được triển khai sớm sẽ tác động rất lớn tới đời sống an sinh xã hội của Thủ đô, giúp người dân được hưởng thụ lợi ích từ những công trình do Nhà nước đầu tư.

Đồng thời, giải ngân sớm các nguồn vốn đầu tư trung hạn, sẽ giúp Hà Nội huy động được trái phiếu Chính phủ cũng như vốn vay bên ngoài.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội cần xác định giải ngân nguồn vốn đầu tư trung hạn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải có sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo thành phố, các sở ngành, đơn vị quản lý dự án.

Thời gian tới, thành phố tập trung giải quyết tốt công tác giải phóng mặt bằng của những dự án đã và đang triển khai.

Theo đó, những cán bộ được giao nhiệm vụ triển khai công tác giải phóng mặt bằng vận dụng linh hoạt, cơ chế chính sách, quyết đoán hơn trong công việc, kịp thời tháo gỡ "nút thắt", đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như xây dựng các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư trung hạn.
Đề cập đến nguồn lực cán bộ thực thi công việc, có ảnh hưởng rõ rệt tới hiệu quả giải ngân vốn đầu tư trung hạn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, thành phố Hà Nội trong năm 2018, tăng cường kỷ luật kỷ cương, thanh kiểm tra công vụ, kiểm tra tiến độ thi công, nhắc nhở xử lý đối với những đơn vị chậm trong giải ngân nguồn vốn cũng như thi công dự án, nếu cần thiết phải thay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc.
“Chúng ta có tiền mà không tiêu được là thiếu trách nhiệm, một đồng đầu tư công đưa vào càng sớm, công trình đưa vào hoạt động càng tốt thì tạo điều kiện cho vấn đề tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động và thuế cho ngân sách Nhà nước, giải quyết được các cân đối vĩ mô hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư trung hạn được Chính phủ giao năm 2018.

Cụ thể, thành phố Hà Nội đã đề ra 10 giải pháp, trong đó thành phố tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, công tác lập thiết kế và đấu thầu, thi công xây dựng các dự án được giao vốn kế hoạch; chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nguồn vốn phân cấp; linh hoạt trong sử dụng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn giải phóng mặt bằng; cho phép chuyển vốn của dự án giải ngân chậm sang dự án có khả năng thực hiện tốt hơn...
Tại buổi làm việc, đại diện một số sở ngành của thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư công như: Một số quy định của Luật Đầu tư công chưa thống nhất với các Luật chuyên ngành; Sửa đổi Điều 17 và các Điều khoản liên quan của Luật Đầu tư công...
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cấp thành phố đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua là 104.723,46 tỷ đồng với 397 dự án.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mức vốn bố trí cho một dự án của Hà Nội là 177,1 tỷ đồng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, tập trung vào các lĩnh vực như: giao thông; giáo dục và dạy nghề; đê điều;thông tin truyền thông...

Theo kế hoạch đến hết năm 2020 tại Hà Nội sẽ có tổng cộng 391/397 dự án xây dựng cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng./.
Xem thêm:

>>>Dự án cầu Cửa Hội chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công

>>>Thương mại điện tử: Mảnh đất mầu mỡ hút đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục