Hạ lãi suất cho vay có lan rộng trong hệ thống ngân hàng?

18:03' - 28/10/2016
BNEWS Động thái hạ lãi suất cho vay của một số ngân hàng lớn trong những ngày qua đang là một tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề đang được đặt ra là liệu nó có tạo thành “làn sóng” mới trong cả hệ thống ngân hàng?

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thực hiện giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Vietcombank

Là ngân hàng đầu tiên thực hiện giảm lãi suất cho vay, kể từ ngày 15/10/2016, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) triển khai giảm lãi suất cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng (VND) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cụ thể, Vietcombank thực hiện điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm (với tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm) và áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn mới đối với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất vay, hỗ trợ doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 20/10/2016, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã bắt đầu triển khai gói 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất đặc biệt ưu đãi, chỉ từ 6,8%/năm.

Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong năm, TPBank dành gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp. Trước đó, vào tháng 4/2016, TPBank là ngân hàng thương mại đầu tiên giảm lãi suất theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước với gói 5.000 nghìn tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo TPBank cho biết, với gói lãi suất ưu đãi này, TPBank hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm điều kiện mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, ‎nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đặc biệt trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp đang tăng tốc chạy về đích, gói ưu đãi sẽ “tiếp sức” cho doanh nghiệp để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh năm 2016, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Động thái trên của các ngân hàng thương mại là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt.

Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước.

Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để các ngân hàng nhỏ cùng nhập cuộc là khó khăn lớn trong bối cảnh nợ xấu chưa được xử lý dứt điểm.

Nợ xấu còn cao nên khả năng giảm lãi suất cho vay khá khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định, việc một số ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất huy động ngắn hạn không bao quát chung cho cả thị trường và không trở thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay chung của thị trường tiền tệ.

Ông Trương Đình Tuyển phân tích, nợ xấu còn cao nên khả năng giảm lãi suất cho vay khá khó khăn. Bên cạnh đó, nếu vừa nới lỏng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng 18-20% như Ngân hàng Nhà nước đề ra, cộng với giảm lãi suất huy động sẽ kích thích vay và đẩy lạm phát lên. Không cẩn trọng lạm phát sẽ vượt 5%, sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Cùng quan điểm này, ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, đã đến lúc phải xử lý triệt để nợ xấu, bởi nếu không xử lý nợ xấu thì không thể hạ lãi suất được.

Các ngân hàng cũng phải tính toán chi phí, khi lãi suất huy động không hạ được thì lãi suất cho vay cũng khó hạ và doanh nghiệp sẽ phải vay lãi suất cao, chi phí cho sản xuất cao dẫn đến tính cạnh tranh kém.

Còn Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, muốn hạ lãi suất, các ngân hàng phải tính toán thực lực về khả năng tài chính và hiệu quả của mình để thu hút được nhiều hơn nữa nguồn vốn trong dân.

Ngược lại, các ngân hàng nhỏ do thực lực kinh tế họ không mạnh bằng các ngân hàng thương mại nhà nước nên họ buộc phải nâng trần huy động lên để đảm bảo thanh khoản và cân đối chi phí trong bối cảnh hiện nay.

Đây chính là từng bước hình thành quan hệ thị trường trong thị trường tín dụng. Cho đến thời điểm hiện tại, việc hạ lãi suất cho vay vẫn chủ yếu được thực hiện ở các ngân hàng cổ phần nhà nước, các ngân hàng nhỏ khác hầu như vẫn rất “im ắng”.

Theo giới phân tích, khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất dễ hơn so với các ngân hàng nhỏ vì nguồn vốn huy động của họ dồi dào. Còn đối với các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình, việc huy động vốn khó hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục