Góp ý Luật Tố cáo (sửa đổi) : Cần xem xét hiện tượng mới là tố cáo trên mạng xã hội

12:59' - 23/03/2018
BNEWS Ngày 23/3, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị góp ý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.

Tại hội nghị, đa số các ý kiến đồng tình với việc sửa đổi Luật Tố cáo, vì sau 4 năm Luật được thi hành đến nay đã bộc lộ những hạn chế cần được tháo gỡ.

Đại biểu đại diện cho Thanh tra tỉnh Tây Ninh cho rằng luật cần phải cụ thể hoá các quy định về thời hiệu xử lý đơn tố cáo theo từng vụ việc, tránh quy định chung chung khó áp dụng trong thực tế, cần bổ sung chấp nhận các hình thức tố cáo trực tiếp không thông qua đơn tố cáo như điện thoại, thư điện tử…, trong đó các bước tiếp nhận thông tin tố cáo phải đảm bảo tính minh bạch cũng như bí mật thông tin của người tố cáo theo quy định của pháp luật. Riêng tại Điều 30 của Luật Tố cáo (sửa đổi) cần quy định rõ về điều kiện thụ lý đơn tố cáo và không thụ lý đơn tố cáo.

Mặc khác, đối với 2 hình thức tố cáo là công khai và nặc danh như hiện nay thì đơn tố cáo nặc danh chỉ mang tính tham khảo chưa xử lý đơn là không phù hợp, kiến nghị nên chấp nhận đơn tố cáo nặc danh nhưng phải có những điều khoản quy định cụ thể để điều chỉnh (vì trên thực tế có những việc tố cáo nặc danh, trong đó có những nội dung rất cần thiết phải xem xét).

Ông Phí Công Đại - đại diện Hội Luật gia tỉnh Tây Ninh cho rằng, tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, có trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật, vu khống, bôi nhọ người khác trong những thời điểm nhạy cảm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị tố cáo sai sự thật.

Nhưng đối với những đơn tố cáo nặc danh có cung cấp chứng cứ thuyết phục thì phải được tiếp nhận, xác minh và xử lý theo trình tự của pháp luật, nhằm tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm khi người tố cáo sợ bị trù dập, trả thù cá nhân nên chỉ cung cấp chứng cứ và thư nặc danh.

Cụ thể, tại Điều 66, quy định về xử lý tố cáo sai sự thật còn quy định khá chung chung, cần cụ thể hoá từng hành vi, từng mức độ gây ra hậu quả và phải chịu trách nhiệm thỏa đáng về những vi hành vu khống sai sự thật nhằm hạ uy tín người khác.

Đại diện Công an tỉnh Tây Ninh kiến nghị, Luật Tố cáo (sửa đổi) cần phải xem xét, bổ sung một số quy định về việc người dân dùng mạng xã hội để tố cáo công khai, nhằm tạo áp lực cho các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc xử lý như hiện nay; trong đó đối với các tố cáo trên mạng xã hội có cơ sở, đúng sự thật thì cần phải quy định một cơ quan đại diện đứng ra liên hệ với người tố cáo và giải quyết thoả đáng theo pháp luật, tránh dư luận xấu gây hoang mang.

Các ý kiến góp ý và kiến nghị của các đại biểu được đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh ghi nhận tiếp thu và báo cáo trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới./.

>>> Facebook phát triển chức năng đánh giá độ tin cậy của các nguồn thông tin hiển thị

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục