Giáp tết, hàng giả, hàng nhái được mùa "nở rộ"

15:50' - 12/01/2018
BNEWS Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, cũng là lúc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tìm cách trà trộn, thâm nhập thị trường mạnh mẽ.

Từ các mặt hàng thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm… với đầy đủ các chủng loại, nhái các thương hiệu lớn với giá rất mềm được bày bán công khai, thách thức cơ quan chức năng.
Hàng dỏm “vào mùa”
Theo các chuyên gia, câu chuyện gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái là đề tài chưa bao giờ hết “nóng”, khiến việc phòng chống của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Nếu như trong năm 2017, cả nước chứng kiến nhiều vụ vi phạm nổi cộm như việc hàng ngoại trộn thương hiệu hàng Việt của Tập đoàn Khaisilk, vụ lô mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng, hay thuốc điều trị ung thư giả của Công ty VN Pharma bị phát hiện… đã làm tổn hại đến niềm tin người tiêu dùng về sản phẩm Việt, doanh nghiệp Việt.

Thì bây giờ, thời điểm cận kề Tết Nguyên đán 2018, các cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vẫn đang phải đối mặt với tình hình gian lận thương mại ngày càng gia tăng.

Trong 10 ngày đầu năm 2018, cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 144 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái... Ảnh minh họa: TTXVN

Theo dự báo của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2018, nhu cầu lưu thông hàng hóa và sức tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng mạnh, là cơ hội cho các đối tượng bất chính liều lĩnh thực hiện buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… với nhiều phương thức thủ đoạn, tinh vi, táo bạo.
Vào những ngày này, tại các cửa hàng, chợ hay trung tâm thương mại, các trang bán hàng online đều công khai bày bán các sản phẩm với đủ các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp, từ mắt kính, túi xách, giày dép, quần áo, mỹ phẩm…đến các sản phẩm có giá trị cao như laptop, điện thoại, đồng hồ…

Điểm giống nhau của hầu hết các sản phẩm này là không có nhãn mác, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ. Nhiều sản phẩm mang các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Luis Vuitton, Chanel, Prada, Dior… nhưng lại được bán với mức giá rẻ bèo ẩn dưới cái tên “hàng xách tay” hay hàng sale cuối năm…
Trong 10 ngày đầu năm 2018, cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 144 vụ vi phạm, nhiều nhất là hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo…
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Công ty TNHH Luật sư Riêng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc phát hiện hàng nhái, hàng giả vô cùng đơn giản nhưng việc khống chế vấn nạn này không hề dễ dàng. Nguyên nhân do chế tài xử phạt vi phạm hành chính chưa rõ ràng, chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, tiền phạt còn quá ít so với hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội.
Vì thế cần tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính hơn nữa, để họ thấy rằng nếu làm ăn phi pháp nếu bị phát hiện, thì khoản lợi bất chính không đủ để nộp phạt. Mặc dù, luật pháp có chế tài phạt bổ sung, khắc phục hậu quả thế nhưng khó để xác định khoản “số lợi bất chính” để buộc họ phải nộp lại vì phần lớn hành vi này đã diễn ra lâu trước khi bị phát hiện.
Cần xử lý nghiêm minh
Theo ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh), việc kinh doanh hàng giả đem lại mức siêu lợi nhuận, trong khi mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng làm giả bất chấp. Chẳng hạn, một chiếc mũ làm giả thương hiệu Nón Sơn chi phí sản xuất chưa đến 100.000 đồng nhưng bán cho người tiêu dùng đến trên 300.000 đồng/chiếc, ngang ngửa với giá bán của Nón Sơn.
Ông Tý đề xuất cần có biện pháp xử lý triệt để nạn hàng giả, như nên cung cấp công khai thông tin cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh hàng giả mạo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, nên quy trách nhiệm cho từng địa phương xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả để hạn chế tình trạng hàng nhái, hàng giả tràn lan.
Bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm thì dịp tết nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân cũng tăng cao, đây cũng là cơ hội cho các sản phẩm phụ tùng hoành hành. Đơn cử như sản phẩm bugi, việc sử dụng bugi không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận hành xe như tiêu hao nhiều nhiên liệu, khó khởi động, tăng tốc kém, chết máy…
Đại diện thương hiệu phụ tùng bugi của công ty TNHH NGK Spark Plugs cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường đối mặt với thực trạng hàng nhái hàng giả nhiều nhất hiện nay. Chỉ riêng khu vực phía Nam đã có đến hơn 20% số bugi giả thương hiệu NGK tiêu thụ ra ngoài thị trường, không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà người tiêu dùng chịu nhiều thiệt hại khi sử dụng phải hàng giả.

Hàng tháng doanh nghiệp này phải cử chuyên viên khảo sát thị trường và ghi nhận thông tin hàng giả, hàng nhái sản phẩm của công ty để cảnh báo đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, cần có chế tài mạnh đối với các hành vi làm giả.
Theo luật sư Lê Trung Phát, Bộ luật Hình sự quy định những tội danh có liên quan, thế nhưng một số điều luật vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để áp dụng, dẫn đến mặc dù có quy định nhưng lại khó xác định xử phạt, các cơ quan chức năng cũng gặp lúng túng khi xử lý.

Bên cạnh đó là hình phạt tù nhẹ dẫn đến chưa thật sự răn đe cho những người phạm tội. Đặc biệt là các hành vi vi phạm có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người thì hình phạt chưa tương xứng. Vì thế cần hoàn thiện thêm về tội danh, hướng dẫn cụ thể để các quy định sớm đi vào thực tiễn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dù bị ảnh hưởng thương hiệu nhưng đại diện các chủ thương hiệu chưa thật sự vào cuộc vì sợ mất tuy tín của doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều trường hợp vi phạm khi bị phát hiện thì im ắng, một thời gian lại đâu vào đó.

Muốn ngăn chặn tình trạng hàng nhái, hàng giả, song song với việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt, người tiêu dùng nên có ý thức tẩy chay các mặt hàng dỏm này để bảo vệ chính mình, góp phần tạo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường.
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán có nhiều diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của ban chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống hàng giả, ban chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ ngày 1/10/2017 đến ngày 31/3/2018.

Chủ động phối hợp với lực lượng công an, Chi cục thú y thành phố, các sở ngành, ủy ban nhân dân các quận huyện, cơ quan quản lý thị trường các tỉnh phía Nam tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ kể cả ngoài giờ hành chính các điểm nóng như cảng hàng không, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, chợ đầu mối, trung tâm thương mại…để kịp thời ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái…
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh, đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng gian hàng giả ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan chức năng sẽ xử lý thật nghiêm.

Thành phố sẽ phối hợp xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố doanh nghiệp vi phạm khi có đủ căn cứ. Ngoài ra thành phố cũng sẽ mạnh tay đối với những cán bộ tham nhũng, thỏa hiệp với doanh nghiệp làm ăn gian dối…/.

>>> Bộ Công Thương ban hành kế hoạch chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục