Giáo sư Trần Thanh Vân và điểm hẹn khoa học ICISE

07:01' - 21/05/2018
BNEWS "Đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương". Đây là tâm niệm của GS. Trần Thanh Vân, người đã dành cả cuộc đời để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ phát triển.
Một góc Thành phố Quy Nhơn, Bình Định, nơi tọa lạc của Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE)

Mảnh đất Quy Nhơn, Bình Định nhỏ bé, đầy nắng gió đang dần xuất hiện trên bản đồ khoa học thế giới như là một điểm đến hội tụ những nhà khoa học hàng đầu, các giáo sư đoạt giải Nobel quốc tế, các tập đoàn, trường đại học lớn trên thế giới.
Gần đây nhất, Hội thảo "Khoa học để phát triển" nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam diễn ra đầu tháng 5/2018, đã quy tụ đông đảo nhà khoa học lớn trên thế giới và các Giáo sư Nobel danh tiếng như: GS. Gerard 't Hooft (Giải Nobel Vật lý năm 1999), GS. Finn Kydland (Giải Nobel Kinh tế năm 2004)...
Không phải ngẫu nhiên tất cả họ lại cùng có mặt ở đây như vậy, đó chính là nhờ "cầu nối không biên giới" - Giáo sư Trần Thanh Vân.
Cầu nối không biên giới

GS. Trần Thanh Vân: "Đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương".

Nhớ lại lần đầu tổ chức Gặp gỡ Moriond bên dãy núi Alps trên biên giới Pháp – Ý năm 1966, GS. Trần Thanh Vân chia sẻ: "Thời điểm đó hết sức khó khăn nhưng mục tiêu đặt ra là làm sao để anh em làm khoa học trẻ tuổi có dịp gặp gỡ các nhà khoa học kỳ cựu để cùng trao đổi nên chúng tôi gần như bị bắt buộc phải tạo nên cái gì đó mới lạ, khác biệt cho chính mình để có cơ hội gặp gỡ các nhà khoa học lớn".
Do đó, thay vì tổ chức tại một hội trường đại học, Gặp gỡ Moriond đã diễn ra trong một khung cảnh nhẹ nhàng trên vùng núi cao. "Tại đây, các nhà khoa học cả trẻ lẫn lớn tuổi cùng giao lưu, trao đổi và trượt tuyết. Khoảng cách gần như bị xóa nhòa", GS. Vân cho biết.
Hơn 50 năm qua, GS. Vân vẫn luôn trăn trở và tìm mọi cách để kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa những người đam mê khoa học, những nhà nghiên cứu khoa học trẻ tuổi với những giáo sư kỳ cựu nổi tiếng thế giới.
Từ Gặp gỡ Moriond, GS. Vân đã trở thành cầu nối của các nhà khoa học không biên giới khi sáng lập thêm 2 diễn đàn quốc tế lớn Gặp gỡ Blois (1989) và Gặp gỡ Việt Nam (1993), nơi các nhà khoa học thế giới hội tụ và trao đổi học thuật.

Các nhà khoa học tới dự hội thảo phần lớn đều đã từng có thời gian dài làm việc cùng GS. Vân và rất nể trọng ông.

“Chúng tôi muốn mang khoa học đến với công chúng một cách rộng rãi và sâu sắc hơn. Hội Gặp gỡ Việt Nam sẽ mời các nhà khoa học quốc tế đến để giao lưu, trao đổi với các nhà khoa học Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức cho các nhà khoa học gặp gỡ với sinh viên, học sinh Việt Nam, nhằm hun đúc, khơi gợi tình yêu khoa học cho các bạn trẻ”, GS. Vân chia sẻ.
Viện Vật lý Mỹ đã từng nhận định về GS. Trần Thanh Vân như sau: "Giáo sư là người có công lao to lớn suốt bốn thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hóa khác nhau ngồi lại bên nhau trong tình thân ái qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam và cũng là người đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam".
Và quả thật, điểm chung lớn nhất giữa các cuộc gặp này chính là nhằm mục đích truyền ngọn lửa đam mê khoa học đến với giới trẻ. Những bạn học sinh, sinh viên tới tham dự có thể xin chỉ dẫn từ các Giáo sư, gặp gỡ, ngồi ăn cũng các Giáo sư Nobel để rồi từ chính sự ngưỡng mộ đối với những giáo sư này mà ngọn lửa đam mê khoa học sẽ lớn dần trong các em.
Quan điểm của giáo sư là "làm bất cứ điều gì cũng phải chân thành, tình nghĩa". Để mời các nhà khoa học đoạt giải Nobel đến tham dự là điều không dễ dàng. Phần lớn trong số họ đã từng có thời gian dài làm việc cùng GS. Vân và rất nể trọng ông.
"Trong giới khoa học quốc tế, GS.TS Trần Thanh Vân là người có sức hấp dẫn lớn, có tài tổ chức. Ngay ở Châu Âu, cũng khó tìm được người khéo tổ chức các cuộc gặp gỡ vật lý đầy hứng thú như anh ấy, khó tìm được người thay thế anh", GS Trịnh Xuân Thuận, nhà Vật lý Thiên văn Hoa Kỳ cho biết.
Bởi vậy, GS. Trần Thanh Vân luôn mong muốn các nhà khoa học trẻ Việt Nam hãy tận dụng cơ hội này: "Nếu em nào đến hội thảo hôm nay rồi hôm sau bỏ đi thì chỉ giống như một ngôi sao vụt bay. Cần có một sự liên hệ lâu dài để có được sự cộng tác trong tương lai".

Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tham quan góc triển lãm tại ICISE

Theo giáo sư, không thể nói ngay cần phải làm gì để các nhà khoa học trẻ có thể đóng góp cho đất nước mà nó còn phụ thuộc vào sự nồng nhiệt của các em trẻ trong tương lai. Điều GS. Vân mong mỏi nhất là làm sao những người trẻ có đủ tự do, động lực để tìm ra những con đường mới.
Nói như GS. Gerard‘t Hooft - giải Nobel Vật lý rằng: “Những người châu Âu không phải thông minh hơn châu Á nhưng họ tò mò hơn, thích khám phá hơn, vì thế họ có nhiều phát minh hơn, quan trọng hơn là họ có tự do, tự do thể hiện quan điểm, tự do sáng tạo".
Điểm hẹn khoa học
Từ nỗ lực không mệt mỏi nhằm gắn kết các nhà khoa học trên thế giới, GS. Trần Thanh Vân đã hiện thực hóa ước mơ biến Việt Nam thành một "điển hẹn khoa học" với sự ra đời của Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) vào năm 2013.

"Trung tâm kỳ diệu này được xây dựng dành cho giáo dục, nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên, nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nước láng giềng Châu Á", Giáo sư Nobel Sheldon Lee Glasshow chia sẻ về ICISE.

ICISE tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 20ha tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định, bao gồm: Tòa nhà hội nghị với hội trường lớn, các phòng hội thảo và văn phòng dành cho học tập và nghiên cứu, phòng chiếu thiên văn học, phòng triển lãm, thư viện, Trường Kỹ sư có thể đào tạo đến trình độ thạc sĩ chuyên ngành (thông qua sự hợp tác của các trường đại học trong và ngoài nước), khu nhà khách đạt tiêu chuẩn quốc tế...
Chia sẻ về lý do lựa chọn Quy Nhơn làm nơi xây dựng trung tâm, GS. Vân cho hay: "Thực tế chúng tôi đã chọn một số địa phương của miền Trung nhưng vì một số lý do như có tỉnh mưa liên tục, có tỉnh lại nắng nóng nhiều. Trong khi đó, Quy Nhơn lại đáp ứng được nhiều yêu cầu với cảnh quan đẹp vừa có biển, có núi, có sông, vừa có khí hậu ôn hòa. Hơn nữa, ở gần trường ĐH Quy Nhơn, trung tâm có thể tác động nhiều hơn đến khoa học và giáo dục địa phương".
Và lí do quan trọng không kém mà GS. Vân đưa ra chính là sự ủng hộ hết lòng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và thành phố nơi đây. Không chỉ cấp cho trung tâm một mảnh đất lý tưởng bên bờ biển, mà tỉnh còn xây dựng đoạn đường từ quốc lộ vào trung tâm, đưa điện, nước tới tận nơi và cải tạo cảnh quan.

Khu nhà hội thảo chính của ICISE với thiết kế mộc mạc, giản dị.

Nhân sự kiện khánh thành Trung tâm ICISE, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (khi đó còn đương nhiệm chức Phó Thủ tướng) từng chia sẻ: "Sự kiện khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành và Hội nghị Quốc tế với chủ đề "Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ" tài Tp Quy Nhơn đã đật thêm một dấu mốc quan trọng với sự nỗ lực của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, của Hội gặp gỡ Việt Nam, của lãnh đạo các ban ngành, tỉnh Bình Định và của cá nhân vợ chồng GS. Trần Thanh Vân trong việc hỗ trợ đắc lực, cụ thể cho các nhà khoa học Việt Nam nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng".
"Việc ra đời Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành là niềm vinh dự cho nhân dân tỉnh Bình Định. Đây không chỉ là phục vụ cho nhu cầu giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà khoa học trong ngoài nước mà còn là đầu mối liên kết giữa các nền khoa học trẻ Châu Á với những trung tâm lớn trên thế giới", ông Lê Hữu Lộc - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.

ICISE - Điểm hẹn để các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và hợp tác.

"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" là thế! Nhưng GS. Vân vẫn luôn "canh cánh" làm sao để các nhà khoa học Việt Nam có thể chuyên tâm vào nghiên cứu: "Nhà khoa học cần giống như một người điên, cả ngày lẫn đêm chỉ nghĩ đến duy nhất một chuyện. Nhưng nếu thu nhập chưa đủ sống, ngày nghiên cứu, giảng dạy, tối đến phải đi dạy thêm hoặc kiếm nghề phụ để trang trải cuộc sống thì khoa học sẽ rất khó phát triển".
Vì vậy, giáo sư mong muốn trung tâm có thể thoát ra khỏi lối mòn đó, để các nhà khoa học trẻ tới đây có thể sống và làm khoa học được ở đây, được tạo điều kiện để toàn tâm toàn ý làm khoa học mà không phải vướng bận về cơm áo gạo tiền. "Đây là một thực tế mà tôi đã hiểu rõ khi quyết tâm làm", vị giáo sư đáng kính khẳng định.
Ai đã từng đặt chân tới ICISE, từng có cơ hội gặp gỡ GS. Trần Thanh Vân, chắc hẳn sẽ khó có thể quên được câu nói của ông: "Đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương"./.

Giáo sư Trần Thanh Vân (sinh năm 1936), còn gọi là Jean Trần Thanh Vân, người Pháp gốc Việt. Năm 1953, khi mới 16 tuổi ông đã rời quê hương Quảng Bình đến Pháp du học. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1957, tiến sĩ vật lý năm 1963 tại Paris với bản luận án xuất sắc chỉ rõ rằng hạt proton không phải là “viên gạch cuối cùng” của vật chất, mà là một cấu trúc gồm nhiều “viên gạch” còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại (về sau được cộng đồng vật lý quốc tế làm sáng tỏ đó là các hạt quark).
Ông đã giảng dạy tại Ðại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, được Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự.
Năm 2012, ông là một trong ba người châu Á được tặng Huy chương Tate của Hội vật lý Mỹ. Trước giáo sư Trần Thanh Vân, chỉ mới có hai người châu Á được nhận huy chương này là Abdus Salam (gốc Pakistan, 1978) và Lục Vũ (CHND Trung Hoa, 2007). Ông đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách về vật lý.

>>> Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ thông tin trước cuộc cách mạng 4.0

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục