Gian nan tiến trình đàm phán Brexit (Phần 1)

05:30' - 29/12/2017
BNEWS Năm 2017 được xem là một năm sôi động và đầy kịch tính của nước Anh, khi mà tiến trình đàm phán Brexit để “chia tay” Liên minh châu Âu (EU) mới diễn ra được 6 tháng song đầy khó khăn.
Gian nan tiến trình đàm phán Brexit. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đây cũng là yếu tố chi phối mạnh mẽ đời sống chính trị-xã hội, thậm chí gây ra cả những mâu thuẫn trong lòng xã hội Anh, dẫu người dân Anh hiểu rằng đất nước đang đứng trước bước ngoặt lịch sử là rời khỏi “mái nhà chung”, không còn chịu sự ràng buộc của EU để có quyền tự quyết hoàn toàn đối với con đường phát triển của mình.

Cho tới nay, các cuộc đàm phán về việc rời khỏi EU – hay còn gọi là Brexit giữa Vương quốc Anh và EU đã chính thức khởi động được nửa năm. Tuy nhiên, ngay sau khi mở màn, cuộc đọ sức được mọi người mong đợi này đã nhanh chóng rơi vào bế tắc, liên tục thử thách ý chí và sự kiên nhẫn của các nhà quyết sách hai bên.

Sau 6 tháng thương lượng, hai bên cuối cùng đã đạt được đồng thuận sơ bộ vào ngày 8/12, cơ bản kết thúc giai đoạn 1 của cuộc đàm phán, hình thành báo cáo chung mang tính chất thỏa thuận, và đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào cuối tuần qua, bước sang đàm phán giai đoạn 2, có vẻ như cục diện bế tắc vô vọng đã xuất hiện bước chuyển ngoặt.

Sự lép vế của nước Anh

Trong 6 tháng đàm phán, EU cảm thấy như bị người Anh “tàn nhẫn từ bỏ”, do đó luôn có thái độ cứng rắn, giữ lập trường khá nhất quán. Bên cạnh đó, trong nội bộ nước Anh cũng diễn ra các cuộc tranh luận không dứt, dẫn đến lập trường đàm phán của họ không rõ ràng.

Các lực lượng theo chủ nghĩa dân túy cấp tiến ủng hộ Brexit như đảng Độc lập vẫn đang làm mưa làm gió, thế lực chính trị chủ trương không ủng hộ Brexit ở Scotland và Bắc Ireland ngày càng có khuynh hướng xa rời chính quyền trung ương, Thủ tướng Theresa May thất bại trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 6, trong khi tỷ lệ ủng hộ liên tục giảm và nền tảng cầm quyền khá mong manh.

Nhận thấy rõ tính yếu ớt bên trong nước Anh, EU đã tìm cách gây khó dễ ở sân sau của nước này. Một số cơ quan và quan chức EU đã chìa cành ôliu cho Bắc Ireland, Scotland và Gibraltar, tán thành lập trường ở lại EU của một số lực lượng chính trị trong các khu vực này, cho biết sẵn sàng tạo các điều kiện ưu đãi như bảo lưu thị trường chung duy nhất ở châu Âu cho họ.

EU còn kiên trì ủng hộ nước láng giềng của Anh - Cộng hòa Ireland, khiến Ireland càng tập trung quan tâm tới mối quan hệ giữa họ với khu vực Bắc Ireland nằm dưới sự quản lý của Anh, liên tục gây khó dễ cho Anh.

Trong các vấn đề như quản lý biên giới, sự đi lại của người dân, quyền lợi của người dân giữa Ireland và Bắc Ireland, Ireland kiên trì lập trường cứng rắn, liên tục đặt ra vấn đề mới, thậm chí còn thổi phồng vấn đề tàn dư của lịch sử - “tiến trình hòa bình Bắc Ireland”.

Trong nội bộ nước Anh, giữa chính quyền trung ương và Bắc Ireland luôn giữ một khoảng cách rất xa, sự liên tục gây rối của Ireland làm cho mối quan hệ giữa hai bên càng trở nên tế nhị hơn, sự nghi ngờ nhau cũng gia tăng. Nói chung, các biện pháp này của EU đã dẫn đến việc Thủ tướng May tiến lui đều mất chỗ dựa, gặp khó khăn cả đôi đường.

Từ khi bắt đầu đàm phán vào ngày 19/6 tới vòng đàm phán thứ 6 vào ngày 10/11, cả hai bên vẫn không đưa ra được phương án khả thi, thậm chí còn gặp vướng mắc nhiều hơn trong một số vấn đề nhỏ. Cho tới hội nghị Hội đồng bộ trưởng EU diễn ra vào ngày 20/11, các cuộc đàm phán vẫn còn đang lún sâu vào bế tắc.

Sau ngày 20/11, Thủ tướng Theresa May đã 3 lần vội vã tới Brussels gặp các nhà lãnh đạo EU, hai bên không ngừng đọ sức gay gắt, vừa đấm vừa xoa, dưới sự ủng hộ của EU, Ireland liên tục gây áp lực lên Theresa May trong nhiều vấn đề giữa họ với Bắc Ireland chẳng hạn như vấn đề quản lý biên giới, đi lại của công dân, tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland, buộc Thủ tướng Anh phải đồng ý tiếp tục tuân theo các quy định của EU, mở cửa biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland.

Sự thoả hiệp của bà Theresa May làm cho một đồng minh quan trọng trong nội các yếu thế của bà - đảng Liên minh Dân chủ (DUP), nảy sinh hoài nghi. Đảng này thuộc phái ủng hộ Brexit cứng rắn, chủ trương vạch rõ ranh giới với EU, phản đối tuân thủ các quy định của EU.

Theresa May vốn luôn chủ trương kiểm soát chặt chẽ tất cả các biên giới giữa Anh và EU, nay đã phải chùn bước, khiến đảng này lo lắng trong khi bà Theresa May vẫn duy trì mở cửa biên giới với Bắc Ireland, sẽ khiến các đảo nằm giữa Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland tách xa nhau.

Vì thế, bà đành phải gián đoạn cuộc đàm phán tại Brussels vào ngày 4/12 để trở về nước làm công tác thuyết phục trong 4 ngày với DUP, ngày 8/12 đã công bố 6 điểm cam kết đối với Bắc Ireland, cuối cùng đã ổn định được nội bộ.

Đứng trước nhiều áp lực bên trong và bên ngoài, bà Theresa May bị buộc phải đưa ra những nhượng bộ đáng kể đối với EU mới làm cho hai bên đạt được đồng thuận trong 3 lĩnh vực: vấn đề quyền lợi của công dân sống trên lãnh thổ của nhau; mối quan hệ giữa Ireland và Bắc Ireland và vấn đề thanh toán tài chính khi Anh rời khỏi EU (phí chia tay), đã hình thành một sự đồng thuận sơ bộ, từ đó hình thành báo cáo chung vào ngày 8/12. Có thể thấy rằng sự nhất trí sơ bộ chỉ được hình thành vào những phút cuối và khá mang tính kịch tính. Trong giai đoạn đầu, EU dường như đã chiếm ưu thế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục