Giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ

18:12' - 01/11/2017
BNEWS Doanh nghiệp Việt nâng cấp, đổi mới dây chuyền sản xuất công nghệ cao, nâng cao tay nghề của lao động… là hai yếu tố giúp đẩy mạnh sự dịch chuyển từ công đoạn gia công sang nghiên cứu hoặc phân phối.
Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ngày 1/11, tại Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Đại học Cần Thơ tổ chức buổi thảo luận về đề tài “Xác định và đề xuất giải pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thành phố Cần Thơ”, với sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

PGS.TS Võ Thành Danh đến từ Đại học Cần Thơ nêu thực trạng: Thành phố Cần Thơ đang có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu là nhờ chế biến nông, thủy sản. Trong khi đó, để tạo nên chuỗi giá trị kinh tế, cần 3 công đoạn chủ yếu: nghiên cứu, thiết kế; gia công, lắp ráp; phân phối.

Theo PGS.TS Võ Thành Danh, gia công, lắp ráp là công đoạn tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, thì Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang chủ yếu làm ở công đoạn này. Nói cách khác, chúng ta đang xuất nguyên liệu thô giá rẻ và nhập sản phẩm hoàn thiện giá cao. Chúng ta đang lãng phí tài nguyên và bán sức lao động với giá rẻ mạt.

Nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ sự yếu kém trong phát triển công nghiệp phụ trợ. Máy móc thiết bị, linh kiện phụ trợ… đa phần đều được nhập khẩu. Điều này dẫn đến nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu, trở thành địa phương, quốc gia nhập siêu mấy thập kỷ qua.

Đồng quan điểm trên, TS.Trần Thanh Bé, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Cần Thơ cho rằng: Đã đến lúc các thành phố lớn như Cần Thơ cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. Cụ thể là tạo dựng môi trường đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết doanh nghiệp phát triển bền vững.

Những sự chuẩn bị này là nền tảng để Việt Nam có thể trở thành đối tác, nhà cung cấp phụ tùng cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong trường hợp họ xây dựng các nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam để cắt giảm chi phí vận chuyển và hạn chế rủi ro trong quá trình nhập máy móc, thiết bị vào Việt Nam.

Nếu như cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư là các yếu tố gia tăng tính thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ giúp lao động Việt Nam thoát khỏi cảnh làm thuê ngay chính trên sân nhà.

Doanh nghiệp Việt Nam nâng cấp, đổi mới dây chuyền sản xuất công nghệ cao, lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, làm chủ được máy móc hiện đại… là hai yếu tố giúp đẩy mạnh sự dịch chuyển từ công đoạn gia công sang nghiên cứu hoặc phân phối. Từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng.

TS.Dương Thái Công, Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ đưa ra dự báo xu hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ khá khả quan ở Cần Thơ: Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực may mặc không ngừng gia tăng kinh phí đầu tư mở rộng sản xuất. Đơn cử, Tập đoàn dệt may Việt Nam đã xây dựng nhà máy May Cần Thơ có tổng diện tích 3 ha, kinh phí xây dựng 150 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực giày da; chế biến thực phẩm, đồ uống; năng lượng, cơ khí chế tạo; sản xuất nhựa gia dụng, bao bì; hóa chất cơ bản, phân bón; sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử… đều có dấu hiệu khởi sắc.

Tuy nhiên, cần có một kịch bản tổng thể và một “nhạc trưởng” thì mới có thể bảo đảm một hướng phát triển nhất quán, đồng bộ. Trong đó, cần xác định rõ các ngành công nghiệp mũi nhọn dựa vào lợi thế cạnh tranh của đại phương, trước khi xây dựng các chính sách cho công nghiệp phụ trợ.

Song song với đó, cần đảm bảo các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ được xây dựng dựa trên nguyên tắc không can thiệp quá nhiều, quá sâu vào thị trường, hay tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, đặc biệt là giữa khối doanh nghiệp nhà nước và tư nhân với khối đầu tư nước ngoài./.

>> Công nghiệp phụ trợ: “Phụ” nhưng là xương sống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục