Giải pháp nào quản lý taxi công nghệ?

09:22' - 02/05/2018
BNEWS Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với PGS. TS Từ Sỹ Sùa (Bộ môn Vận tải đường bộ và Thành phố - Đại học Giao thông Vận tải) xung quanh câu chuyển quản lý đối với loại hình taxi công nghệ.
PGS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với loại hình taxi công nghệ. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Sự ra đời và phát triển "nóng" của loại hình taxi ứng dụng khoa học công nghệ (taxi công nghệ) trong thời gian qua khiến các hãng taxi truyền thống khó khăn và cơ quan quản lý lúng túng. Xung quanh câu chuyện quản lý loại hình này, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với PGS. TS Từ Sỹ Sùa (Bộ môn Vận tải đường bộ và Thành phố - Đại học Giao thông Vận tải).

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự xuất hiện của loại hình taxi công nghệ được biết đến nhiều trong thời gian vừa qua như là Uber, Grab?

PGS. TS Từ Sỹ Sùa: Có thể nói taxi công nghệ khi vào Việt Nam được đón nhận một cách “hồ hởi” bởi nhiều lý do. Trong đó lý do đầu tiên phải kể đến đó là với lợi thế ứng dụng công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 và tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ.

Nhờ đó, taxi công nghệ đã đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng như: rút ngắn thời gian chờ đợi của hành khách, cùng với đó taxi công nghệ có những lợi thế về giá, thậm chí các hãng thường xuyên khuyến mại giảm giá nên khách hàng đón nhận rất nồng nhiệt.

Lý do quan trọng thứ hai là tính minh bạch, taxi công nghệ đã thể hiện tốt điều này qua việc hành khách được chủ động chọn hành trình đi của mình, điều này sẽ triệt tiêu được việc lái xe đi vòng vo.

Mặt khác, hành khách cũng biết được chi phí chuyến đi của mình là bao nhiêu, xe loại gì, tên người lái xe…

Bên cạnh đó, chính sách mở rộng khách hàng của loại hình này cũng rất tốt như có nhiều ưu đãi cho người lần đầu tiên sử dụng…Vì thế, nhiều người dân đã chuyển hẳn từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ.

Tôi cho rằng sự phát triển của taxi công nghệ là xu thế phát triển tất yếu.

Phóng viên: Mới đây, Grab đã quyết định mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam. Điều này đã xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư mạnh vào công nghệ để phát triển theo hướng này. Theo ông, có những vấn đề nào cần đặt ra đối với loại hình taxi công nghệ?

PGS. TS Từ Sỹ Sùa: Trước khi Uber Đông Nam Á bị mua bởi Grab thì nhiều doanh nghiệp trong nước; trong đó có cả nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã rất tích cực xây dựng cho mình những phần mềm khác nhau trên nền kiểu như Uber, Grab đang thực hiện.

Sau sự kiện này dự đoán các doanh nghiệp trong nước càng đẩy mạnh hơn để đưa ra được những phần mềm gọi xe cạnh tranh với Grab.

Một dịch vụ mới phải đảm bảo phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích hành khách, lợi ích của doanh nghiệp thông qua việc làm, thu nhập; lợi ích của nhà nước. Với taxi công nghệ phải thêm lợi ích của người lao động kiêm chủ sở hữu là lái xe.

Bốn lợi ích này nếu được hài hòa khi đó môi trường kinh doanh sẽ được coi là lành mạnh, công bằng. Công bằng cho các đối tượng cùng kinh doanh một loại hình.

Ngược lại khi những lợi ích này không hài hoà, bị xâm phạm lợi ích của nhau thì chịu trách nhiệm chính là nhà nước. Nhà nước phải quản lý về giao thông, quản lý phương tiện (xe nào đến đón, loại xe gì, giá cước…) và quản lý thuế.

Về điều kiện kinh doanh phải có những ràng buộc chứ không thể nặng lợi ích này còn lợi ích kia bị lãng quên, dẫn đến không công bằng.

Hiện nay taxi truyền thống đã được quản lý khá chặt chẽ bằng nhiều văn bản pháp luật. Cụ thể họ bị điều chỉnh bởi 13 điều kiện kinh doanh. Ở chiều ngược lại taxi công nghệ sau hơn hai năm thí điểm đến thời điểm này vẫn chưa có cơ chế quản lý cho nên mỗi người hiểu theo một cách khác nhau.

Ví dụ một vấn đề cụ thể như, hiện nay một số tuyến đường để giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, ngành chức năng đã cấm taxi truyền thống và mới đây có cả taxi công nghệ.

Tuy nhiên, điều này chỉ có khả thi với taxi truyền thống vì loại hình này có mào (chưa có nhận diện thương hiệu) nghĩa là logo dán vào xe để đảm bảo tính minh bạch, công khai, bình đẳng giữa các loại hình vận chuyển hành khách.

Trong khi đó, taxi công nghệ ngành chức năng khó có thể kiểm soát được vì không có mào để nhận biết. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Ngoài ra, còn chưa kể đến các trách nhiệm khác như nghĩa vụ thuế. Hiện chưa tính thuế một cách đầy đủ với Grab. Doanh nghiệp này kêu lỗ nhưng vẫn khuyến mãi rất nhiều.

Một vấn đề nữa là gần đây lợi ích của người lao động tham gia hoạt động của Grab cũng cần phải xem xét khi mà Grab đã nâng phần trăm chiết khấu với các lái xe.

Một vấn đề quan trọng không kém mà ngành chức năng cần bàn tới đó là các hãng taxi công nghệ thực hiện nhiều đợt khuyến mại như vậy có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không? vì mọi việc đều có ngưỡng không thể thay đổi giá tùy tiện.

Phải có giá trần, giá sàn không thể tùy tiện tăng giảm giá như Grab hay Uber trước đó đã thực hiện. Vận tải hành khách là kinh doanh có điều kiện, tính mạng, an toàn con người là quan trọng nhất.

Phóng viên: Để quản lý loại hình taxi công nghệ, theo ông nhà nước cần thực hiện những giải pháp nào?

PGS. TS Từ Sỹ Sùa: Bất kỳ vấn đề gì cũng có giải pháp, cấm là không nên nhưng taxi truyền thống hiện được quản lý quá chặt, taxi công nghệ không nhất thiết phải chặt như vậy nhưng cũng phải quản lý, phải có logo nhận diện thương hiệu, đồng hồ tính tiền.

Theo tôi, cần một giải pháp hài hoà nhất, chứ không thể để như hiện nay. Các doanh nghiệp cần lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển hài hoà các lợi ích; hoạt động minh bạch, công khai.

Taxi công nghệ dù đã triển khai thí điểm hơn 2 năm vừa qua, mà hiện giờ mới bàn xây dựng khung pháp lý là quá muộn.

Do đó, cần phải có khung pháp lý cho vận tải hành khách nói chung, kể cả vận tải hành khách bằng taxi truyền thống hay taxi công nghệ như Grab và Uber.

Taxi truyền thống đã có văn bản tương đối đầy đủ, nhưng khi nảy sinh một dịch vụ vận tải mới là taxi công nghệ thì vấn đề quản lý taxi công nghệ phải có khung pháp lý, phải có sự điều tiết quản lý của nhà nước để đảm bảo lợi ích của các bên và ngược lại taxi công nghệ cũng phải nằm trong khuôn khổ này.

Điều quan trọng nhất là môi trường kinh doanh của tất cả các bên phải được bình đẳng và quyền lợi của hành khách phải được tôn trọng. Những điều này khung pháp lý còn bỏ ngỏ.

Ngoài ra, một vấn đề cũng cần được quan tâm xứng đáng đó là phải đảm bảo được quyền lợi của hành khách, quyền lợi của người tham gia cung ứng dịch vụ cũng như tính xã hội. Vì vậy vai trò trọng tài của các cơ quan quản lý là rất quan trọng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục