Giải cứu nông sản sao lại cứ "đến hẹn lại lên"?

14:34' - 21/03/2018
BNEWS Theo Sở Công Thương Hà Nội, nguyên nhân 2.000 tấn củ cải tại xã Tráng Việt ứ đọng tại ruộng do hoạt động sản xuất chưa gắn với nhu cầu tiêu thụ của thị trường dẫn đến cung vượt cầu.
Trong mấy ngày qua bà con nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đang khóc ròng vì khoảng 140 ha trồng củ cải không tiêu thụ được. Nhiều nông dân đã nhổ củ cải chất thành đống rồi thuê xe chở đi đổ. Mỗi sào củ cải đầu tư chi phí hết 3 triệu đồng mà chỉ thu lại được 500 ngàn đồng. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc tại UBND huyện Mê Linh ngày 21/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị UBND huyện phối hợp với các sở, ngành thành phố xây dựng giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững; trong đó, tập trung trang bị kiến thức về thị trường cho nông dân, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, nông sản bỏ phí hàng loạt như một số trường hợp xảy ra trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, huyện Mê Linh được coi là “thủ phủ” rau màu và hoa của thành phố.

Huyện hiện có 450 ha hoa và 1.100 ha rau. Mỗi năm, Mê Linh đáp ứng khoảng 10% nhu cầu rau màu và 20% hoa cho toàn thành phố.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết: Năm 2017, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện đạt trên 22.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 1.500 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân giảm là do các đợt xả lũ hồ Hòa Bình và cơn bão số 2, số 3 gây mưa lớn trên diện rộng, làm 80% diện tích đất nông nghiệp bỏ trống do nhân dân không gieo trồng cây vụ Đông.
Ba tháng đầu năm 2018, dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết song toàn huyện đã tập trung gieo trồng cây vụ Xuân 2018 đúng thời vụ, tổng diện tích gieo trồng ước gần 7.000 ha.

Tuy nhiên, tình trạng hoa, rau màu ứ đọng, không tiêu thụ được như 20 ha củ cải tại xã Tráng Việt (Mê Linh) khiến người dân và dư luận hết sức quan tâm.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, nguyên nhân 2.000 tấn củ cải tại xã Tráng Việt ứ đọng tại ruộng do hoạt động sản xuất chưa gắn với nhu cầu tiêu thụ của thị trường dẫn đến cung vượt cầu.

Hiện mới có 5% nông sản của Mê Linh vào các trung tâm thương mại, siêu thị, còn 95% nông sản do người dân tự tiêu thụ qua thương lái.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chưa có chuỗi liên kết, thiếu đồng nhất giữa đơn vị bao tiêu sản phẩm và người nông dân.

Sở Công Thương đã giúp xã kết nối với các doanh nghiệp để đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị, dự tính khoảng 10 - 15 ngày sẽ giải quyết hết 2.000 tấn củ cải tồn đọng. Về lâu dài, huyện cần có giải pháp bền vững như xây dựng đường xá, trung tâm sơ chế nông sản để người dân yên tâm gieo trồng, có cơ sở phát triển nông nghiệp ổn định.
Ghi nhận những đóng góp của huyện Mê Linh vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, Mê Linh là vùng nguyên liệu nông sản lớn của thành phố.

Những năm qua, huyện đã tập trung chuyển đổi từ trồng lúa sang sản xuất hoa và rau màu, song hoạt động sản xuất nông sản luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề, còn xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”, tiêu thụ không ổn định.

Đặc biệt, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu hoặc bán cho thị trường trong nước, hầu như chưa có chế biến tại chỗ. Đây là những khó khăn, thách thức mà huyện Mê Linh cần nhìn nhận và đánh giá.
Khẳng định sản xuất nông nghiệp nếu không có chiến lược lâu dài, tình trạng rau, hoa ứ đọng sẽ còn lặp lại, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị kết nối cung cầu giữa nông dân với các nhà bán lẻ, nhà phân phối ngay trong tháng 4; đồng thời, xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, tập huấn kiến thức thị trường cho nông dân, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê lại danh sách các công ty thủy lợi để chuyển dịch vụ tưới tiêu về cho các công ty này quản lý; đưa công nghệ mới vào trồng hoa xuất khẩu.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Quy hoạch kiến trúc phối hợp với UBND huyện Mê Linh tiến hành khảo sát, chọn địa điểm để xây dựng chợ đầu mối rau, hoa của thành phố, tiến tới sản xuất nông sản theo hướng xuất khẩu, đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục