Fintech Việt Nam đang ở đâu trong khu vực ASEAN?

14:24' - 12/04/2018
BNEWS Với nền tảng vững chắc và mức độ tiếp nhận công nghệ tài chính cao, các nền kinh tế Đông Nam Á đã và đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Theo số liệu của tổ chức Tracxn, năm 2017, riêng vốn đầu tư vào lĩnh vực FinTech toàn khu vực Đông Nam Á đã tăng vọt lên 45% so với năm ngoái, đạt mức 366 triệu USD.

Fintech là gì?

Fintech – viết tắt của từ Financial Technology – có nghĩa là Công nghệ tài chính. Hiểu đơn giản như trên, Fintech đề cập đến việc tận dụng sáng tạo công nghệ trong các hoạt động và dịch vụ tài chính.

Ở phương diện đầy đủ hơn, theo Wikipedia trích dẫn từ Huffington Post, Fintech được định nghĩa là một ngành công nghiệp tài chính mới áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính.

Fintech là các ứng dụng, quy trình, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới trong ngành dịch vụ tài chính, bao gồm một hay nhiều dịch vụ tài chính bổ sung và được cung cấp như một quy trình ‘từ đầu cuối tới đầu cuối’ qua mạng internet.

Theo “Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018” do Công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế Ernst & Young (EY) thực hiện, ngành dịch vụ tài chính khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết với sự đột phá của các công ty Công nghệ Tài chính thế hệ mới (FinTech).

Toàn cảnh Hội thảo công bố “Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018” do Công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế Ernst & Young (EY)thực hiện. Ảnh: E&Y

Tuy nhiên, ông Brian Thung, Lãnh đạo phụ trách thị trường Asean của EY chia sẻ: "Cũng giống như hầu hết các công ty start-up, các công ty FinTech có thể thấy mình bị giới hạn bởi các lựa chọn về huy động vốn. Họ nên tìm cách tiếp cận để mở rộng mạng lưới kinh doanh, tìm kiếm cơ hội từ các nhà đầu tư khác, ví dụ như từ nhà đầu tư mạo hiểm - những người có thể giúp họ nâng tầm doanh nghiệp và cũng là một trong những nguồn tài trợ".

Vị trí và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về FinTech trong khu vực

Trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có số lượng các chương trình vườn ươm khởi nghiệp, xúc tiến khởi nghiệp và các chương trình tương tự nhiều thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore. Đây là một tín hiệu tốt đáng ghi nhận cho sự phát triển về FinTech tại Việt Nam.

Việt Nam có một lợi thế nữa là có dân số trẻ và am hiểu về công nghệ. Trong một báo cáo khác của EY, vẫn có tới 90% khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt. Do đó, các công ty FinTech tại Việt Nam tập trung khá nhiều vào lĩnh vực thanh toán – 47% công ty FinTech Việt Nam là về dịch vụ thanh toán, cao nhất trong khu vực. 

Việt Nam hiện cũng đã có câu lạc bộ chuyên biệt về FinTech trực thuộc các hiệp hội cơ quan nhà nước để các doanh nghiệp trong ngành có thể gặp gỡ, cập nhật, nâng cao kiến thức, hỗ trợ, chia sẻ các kinh nghiệm liên quan và quan trọng nhất là cùng nhau xây dựng khung pháp lý cho mảng dịch vụ này. 

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ Tài chính & Tư vấn Công nghệ của EY Việt Nam, hiện cũng là Phó Chủ tịch CLB VietFinTech chia sẻ: “Các công ty FinTech hiện quy mô còn nhỏ, các chính sách, quy định dành cho những công ty này cũng vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, nhiều ngân hàng hiện nay vẫn còn dè dặt trong quyết định hợp tác với các công ty Fintech mà không nhận ra rằng, với số người chưa từng mở tài khoản ngân hàng còn nhiều và số người sử dụng smartphone ngày một tăng, FinTech chính là cầu nối giúp họ mang các dịch vụ ngân hàng tới nhiều người dân hơn nữa”.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ Tài chính & Tư vấn Công nghệ của EY Việt Nam. Ảnh: E&Y

Ngoài vấn đề liên quan tới tài chính, thiếu hụt nhân sự và các quy định pháp lý của chính phủ cũng là hai vấn đề thách thức lớn khác mà các công ty FinTech Việt cũng như khu vực cùng phải đối mặt. Theo các chuyên gia của EY, việc hỗ trợ về mặt chính sách từ các cơ quan chức năng sẽ là yếu tố hình thành nên một hệ sinh thái FinTech, khuyến khích sự sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh. 

Được thực hiện trên 250 doanh nghiệp FinTech tại hơn 10 quốc gia, báo cáo “Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018” cũng cung cấp những quan điểm, nhận định của chuyên gia trong ngành về hệ sinh thái FinTech trong khu vực, từ đó đưa ra những đề xuất cho chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi giúp FinTech phát triển.

Hướng đi cho các ngân hàng

Theo khảo sát Toàn cảnh ngành ngân hàng năm 2018 mới nhất của EY, 85% các ngân hàng hiện nay cho rằng việc thực hiện chiến lược chuyển đổi ngân hàng số là mục tiêu quan trọng nhất của họ cho năm 2018. Do vậy, đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro và từ đó có nhiều cơ hội hơn cho việc phát triển ngân hàng là rất cần thiết. 

Ngoài ra, việc ứng phó với các vấn đề về an ninh mạng cũng là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng lớn trên toàn cầu (89%) trong năm 2018. Đây là một thay đổi lớn, bởi trong báo cáo năm 2017, các ngân hàng lại quan tâm nhiều hơn tới quản lý rủi ro về mặt danh tiếng và văn hóa. Trong năm tới, các ngân hàng cũng sẽ chú trọng tuyển dụng và đào tạo các chuyên gia công nghệ hơn. 

Ông Jan Bellens, Phó Chủ tịch Toàn cầu Dịch vụ Ngân hàng và Thị trường Vốn chia sẻ: "Để có thể vượt qua những thách thức ở phía trước, các ngân hàng cần chuẩn bị cho một tương lai được dẫn đầu bởi công nghệ và sự đột phá.  Đổi mới tiếp tục tăng tốc, các ngân hàng cần có một chiến lược đúng đắn để đảm bảo các công nghệ mới được thực hiện có hiệu quả".

Bà Nguyễn Thùy Dương cũng chia sẻ thêm: "Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng sẽ tiếp tục gặp thách thức trong việc phát triển lợi nhuận bền vững, khi có nhiều cạnh tranh hơn từ các đối thủ mới tham gia thị trường cùng nhiều rủi ro phức tạp hơn”.

>>>Xu hướng dịch chuyển mới từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục