FAO và EU cùng lên tiếng về vấn đề lãng phí lương thực và vi khuẩn kháng thuốc

12:44' - 30/09/2017
BNEWS Ủy viên châu Âu Andriukaitis khẳng định tình trạng bỏ phí và lãng phí lương thực là không thể chấp nhận được và đi ngược lại giá trị đạo đức trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày một khan hiếm.
FAO và EU cùng lên tiếng về vấn đề lãng phí lương thực và vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN

Ngày 29/9, Ủy viên phụ trách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) Vytenis Andriukaitis và Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Jose Graziano da Silva đã ký thỏa thuận hợp tác chống tình trạng lãng phí lương thực và vi khuẩn kháng thuốc (AMR) trong chuỗi cung ứng lương thực.

Theo đó, hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa để giải quyết tình trạng lãng phí lương thực với mục tiêu cụ thể là tới năm 2030, giảm được 50% lượng lương thực lãng phí trên toàn thế giới. Đây cũng là một mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự toàn cầu về các mục tiêu phát triển bền vững mới. Ngoài ra, hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác trong đối phó với tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đang trở nên phổ biến trong các trang trại và hệ thống lương thực toàn cầu.

Phát biểu tại lễ ký, Ủy viên châu Âu Andriukaitis khẳng định tình trạng bỏ phí và lãng phí lương thực là không thể chấp nhận được và đi ngược lại giá trị đạo đức trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày một khan hiếm, đồng thời làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực.

Trong khi đó, tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng là gánh nặng lớn cho xã hội và nền kinh tế. Theo ông, EU và FAO sẽ phối hợp một cách hiệu quả và mang tính chiến lược hơn nữa trong cách thức giải quyết những vấn đề này.

Về phần mình, Tổng Giám đốc FAO Silva cho rằng việc sử dụng thuốc kháng sinh, trong đó có dùng vào việc kích thích tăng trưởng, hiện đã trở nên phổ biến. Thuốc kháng sinh và kháng vi khuẩn khác nên chỉ được dùng trong điều trị bệnh và trong một số trường hợp là nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan chứ không nên dùng để kích thích tăng trưởng.

Theo số liệu của FAO, mỗi năm, thế giới lãng phí khoảng 1/3 trong tổng số lương thực sản xuất phục vụ con người, tương đương 1,3 tỷ tấn, gây thiệt hại lớn về tài chính và làm lãng phí các nguồn tài nguyên. EU ước tính chỉ riêng tại khu vực châu Âu, khoảng 88 triệu tấn lương thực bị bỏ phí mỗi năm, tương đương với để mất đi 143 tỷ euro.

Trong khi đó, việc sử dụng và lạm dụng thuốc diệt vi khuẩn trong điều trị cho người và động vật đã góp phần làm tăng số vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh.

Theo FAO, mối đe dọa từ vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng nguy hiểm, có thể gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 100 triệu USD vào năm 2050. Ngoài đe dọa tới sức khỏe con người, đây còn là mối đe dọa đối với an toàn thực phẩm cũng như lợi ích kinh tế của hàng triệu hộ nông dân trên toàn cầu.

>>>Giá lương thực thế giới giảm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục