Đuối nước trên cạn và kỹ năng sơ cứu cơ bản có thể cứu bạn trong tích tắc

10:41' - 24/05/2017
BNEWS Sau khi bơi, học bơi hay ngâm mình dưới nước quá lâu, nếu bạn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi quá mức cần phải cảnh giác với sức khỏe. Bởi các biểu hiện này có thể dẫn đến đuối nước trên cạn.

Đuối nước trên cạn là gì?

Đuối nước trên cạn hay còn được gọi là chết đuối khô, chết đuối thứ cấp, thường xảy ra trong vòng 1 đến 72 giờ sau khi bơi, hoặc suýt chết đuối dưới nước, hoặc tắm quá lâu dưới nước, bị sặc nước…

Chỉ một ngụm nước nhỏ tràn vào phổi cũng có thể khiến nạn nhân bị đuối nước trên cạn dẫn đến tử vong nhanh chóng. Ảnh minh họa: baonghean

Đây là hiện tượng nạn nhân bị hít nước vào phổi trong quá trình ở dưới nước. Chỉ cần một ngụm nước nhỏ tràn vào phổi cũng có thể cản trở phổi cung cấp ôxy cho máu, dẫn tới phù phổi, suy hô hấp dẫn đến chết đuối thứ cấp.

Với chứng suy hô hấp trên cạn này, người gặp nạn lên bờ tim chưa bị chậm nhịp, vẫn thở được với lượng nước ít đọng trong phổi (do chưa loại bỏ hết nước ra khỏi cơ thể), có thể đi bộ và nói chuyện được, nhưng yếu.

Tuy chứng này hiếm gặp, nhưng ai cũng có thể mắc và nếu bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo có thể dẫn tới tử vong.

Biểu hiện của đuối nước trên cạn

Theo các chuyên gia y tế, trong vòng 1-72 giờ sau khi hoạt động dưới nước, nếu người đi bơi, nhất là trẻ em, có các dấu hiệu sau cần nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện để cấp cứu:

- Mệt mỏi quá mức sau khi tắm

- Khó thở sau khi tắm

- Đột ngột thay đổi tâm trạng (cáu gắt, hung hăng không rõ nguyên nhân)

- Ho dữ dội, nói lắp, chậm chạp lờ đờ, thiếu nhận thức...

Thời gian là yếu tố rất quan trọng trong điều trị đuối cạn, nhất là để can thiệp nội khoa khi nạn nhân bị phù phổi.

Kỹ năng sơ cứu cơ bản khi bị đuối nước

- Khi đưa nạn nhân ra khỏi nước cần vác lên vai, hai chân phía trước, đầu chúc ra sau cho nước trong phổi chảy ra. Làm động tác này chỉ 5 – 10 giây.

Tuyệt đối không nên dốc ngược nạn nhân chạy bởi các hành động này dễ dẫn đến hiện tượng trào ngược, khiến bệnh nhân hít lại những chất trong ruột của mình, chính là những chất gây sặc và tổn thương phổi sau này.

- Đặt nạn nhân nằm xuống, kiểm tra mạch còn đập hay không rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhấn cho tim đập lại và khẩn trương gọi người cấp cứu, cứu hộ. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo thao tác đúng cách, bởi việc ép tim không đúng sẽ dễ gây dập phổi, tổn thương phổi, gãy xương sườn… khiến tình trạng của bệnh nhân càng nguy hiểm.

- Nạn nhân chưa tỉnh lại thì không nên dừng hô hấp và hỗ trợ tim, vì dừng lại và đưa đi cấp cứu là nạn nhân rất có thể bị tử vong. Triệt để giúp bệnh nhân tỉnh lại, ổn định rồi hãy đưa đi cấp cứu. Hoặc vừa đưa đi, vừa tiếp tục sơ cứu để nạn nhân nhanh tỉnh lại.

Tình trạng đuối cạn không phổ biến ở tất cả trẻ em và xác suất càng thấp hơn ở người trưởng thành. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan lơ là khi đưa trẻ đi bơi.

Cách phòng tránh đuối cạn tốt nhất luôn là sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Kế đến, cha mẹ cần cho trẻ học bơi bài bản để rèn luyện phản ứng trong môi trường nước.

>>> Những lưu ý khi cho trẻ học bơi

>>> Gợi ý các hoạt động ngoại khóa cho trẻ dịp hè này

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục