Được giá, mất mùa dừa tại Bến Tre - Bài 1: Năng suất giảm, giá dừa khô cao

16:18' - 12/06/2017
BNEWS Hiện nay, dừa khô ở Bến Tre có giá từ 90.000 - 110.000 đồng/chục (12 trái). Theo người trồng dừa ở Bến Tre thì giá dừa như vậy là cao.

Tuy nhiên năm nay, năng suất dừa lại thấp do ảnh hưởng của đợt hạn cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

Sơ chế dừa nguyên liệu. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Gia đình anh Huỳnh Hữu Huy, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm có 3 ha dừa. Trước đây mỗi tháng gia đình thu hoạch khoảng 2.000 trái dừa.

Thế nhưng khoảng 3 tháng nay, năng suất dừa giảm đáng kể, mỗi tháng chỉ hái được khoảng từ 500 - 1.000 trái, năng suất giảm dần từng tháng. Trước đây, mỗi cây dừa đến đợt thu hoạch cũng được 8-10 trái, nhưng có cây dừa khô đọt không có trái, có cây chỉ hái được từ 1-2 trái.

Theo anh Huy, năng suất tháng này có khả năng giảm khoảng 50% sản lượng. Với diện tích 3.000 m2, bình quân mỗi tháng thu hoạch khoảng từ 2.000 – 2.400 trái nhưng đến thời điểm này chỉ còn khoảng 700 trái.

Nếu tính số lượng bình quân thì có cây khoảng 2-3 trái, có cây không còn trái.

Do ảnh hưởng của hạn mặn và sâu bệnh đã làm cho năng suất vườn dừa hiện tại ở tỉnh Bến Tre giảm 70-80%. Theo các hộ trồng dừa ở Bến Tre, dừa từ khi ra hoa, kết quả non đến khi khô (thu hoạch được) khoảng gần một năm.

Do ảnh hưởng của hạn mặn từ năm 2016 nên năng suất dừa giảm, khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng do khan hiếm nguyên liệu dừa khô dùng trong chế biến sản phẩm từ dừa. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Vì vậy, đợt xâm nhập mặn năm 2016 làm dừa rụng quả non nên hiện tại sản lượng bắt đầu giảm và kéo theo những đợt thu hoạch tiếp theo sẽ tiếp tục giảm. Không chỉ giảm năng suất mà ảnh hưởng của hạn mặn cũng khiến trái dừa không được đẹp như trước kia.

Ông Nguyễn Văn Đôi, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết: “Hồi trước 1.000 m2 trồng dừa cho khoảng 150 trái, giờ còn khoảng 40-50 trái. Dừa giảm năng suất khoảng 6 tháng nay. Lý do là hạn mặn nên dừa hút nước lên nuôi trái không nổi, cộng với việc sâu bọ tấn công. Trái dừa bây giờ không được đẹp như xưa, nhiều trái nhăn nheo, móp méo, nhỏ hơn”.

Còn theo chia sẻ của anh Huỳnh Công Huynh, trú tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm: “Năm vừa qua do nước mặn kéo dài, cộng với bệnh bọ vòi voi đục trái nên năng suất dừa giảm rất nhiều. Chẳng hạn, một quầy dừa trước đây khoảng 10-12 trái thì bây giờ chỉ còn 3-4 trái, có cây không có trái nào. Một công đất (1.00 0m2) trước đây được khoảng 150 trái thì nay sụt giảm còn khoảng 50-60 trái. Tính ra năm nay, mặc dù giá dừa có tăng nhưng số lượng giảm vì thế mà thu nhập của người dân cũng giảm đi rất nhiều”.

Trước tình hình dừa sụt giảm năng suất, nghi do ảnh hưởng của đợt hạn mặn cuối 2015, đầu năm 2016, các hộ trồng dừa ở Bến Tre đã tìm một số giải pháp giúp cây dừa khôi phục, biện pháp được nhiều người nông dân trồng dừa quan tâm là trữ nước ngọt để rửa mặn.

Anh Huỳnh Công Huynh cho biết, giải pháp của bà con là tưới nước thường xuyên để giã bớt mặn trong đất; thứ hai là phun thuốc xịt để chống bọ vòi voi. Tuy nhiên, những cây dừa cao quá thì lượng thuốc trừ sâu phun không tới và gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Một số doanh nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã giảm công suất hoạt động của công ty vì thiếu nguyên liệu dừa. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre nhận định, cây dừa trong 2 năm qua chịu tác động của biến đổi khí hậu rất nặng. Cụ thể trong năm 2015, theo dõi thấy lượng mưa rất ít, khoảng trên 900 mm/năm, trong khi đó đối với cây dừa cần khoảng 1.300 mm/năm.

Chính lượng mưa ít, khô hạn nhiều nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây dừa, ngay cả giai đoạn tượng hoa cũng đã bị ảnh hưởng. Đến năm 2016, diễn biến mặn ảnh hưởng chiều sâu và cao hơn, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của dừa.

Vì vậy năm 2017, việc một số vườn dừa suy giảm năng suất rõ ràng có ảnh hưởng từ những năm trước.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người trồng dừa sử dụng chế độ phân hợp lý và một số biện pháp hạn chế thiệt hại sau mặn, chẳng hạn như là nhanh chóng kiểm soát nguồn nước ngọt trong mương vườn dừa, tăng cường bón vôi, bón kali, bón phân sau mặn.

“Do ảnh hưởng của mặn nên mùa vụ dừa có khuynh hướng dịch về những tháng cuối năm. Những tháng đầu năm trùng khớp với đợt hạn mặn của năm trước thì năng suất dừa ít. Những tháng cuối năm sản lượng dừa sẽ thay đổi. Đối với dừa chế biến (dừa khô) khoảng tháng 1/2018 sản lượng dừa sẽ phục hồi trở lại”, ông Đức cho biết.

Năng suất dừa giảm, nên dù giá dừa cao thì người trồng dừa cũng không có lợi nhuận nhiều. Trong khi đó doanh nghiệp chế biến dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng “lao đao” vì thiếu nguyên liệu cho hoạt động sản xuất các sản phẩm từ dừa.

>>> Bài 2: Doanh nghiệp chế biến gặp "khó"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục