Dự thảo Luật Trồng trọt: Xã hội hóa kiểm nghiệm giống cây trồng

15:23' - 20/03/2018
BNEWS Các tổ chức khi đã đủ điều kiện hành nghề kiểm nghiệm giống cây trồng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những kết quả đã công bố của mình.
Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm của quốc tế và tham vấn các bên liên quan về dự thảo Luật Trồng trọt”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Tại hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm của quốc tế và tham vấn các bên liên quan về dự thảo Luật Trồng trọt”, ngày 20/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, xã hội hóa kiểm nghiệm giống cây trồng là một trong rất nhiều điểm mới được đưa vào dự thảo Luật Trồng trọt.

Theo đó, có hẳn một mục quy định về việc công nhận và quản lý hoạt động của tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng. Các tổ chức khi đã đủ điều kiện hành nghề sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những kết quả đã công bố của mình. Nếu có hành vi vi phạm, đơn vị đó sẽ bị hủy bỏ quyết định được khảo nghiệm cây trồng.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, so với Pháp lệnh Giống cây trồng hiện nay, dự thảo Luật Trồng trọt đã bổ sung nhiều điểm mới như: quy định công nhận lưu hành các giống địa phương đã tồn tại lâu dài trong sản xuất; quy định chặt chẽ hơn các giống chuẩn để tổ chức thanh kiểm tra sau khi lưu hành giống; quy định về bảo quản các vườn cây đầu ròng…

Chẳng hạn với quy định về bảo quản các vườn cây đầu dòng, khi chủ sở hữu giống được công nhận một giống thì vườn cây ban đầu được tạo ra được công nhận không phải qua bình tuyển. Qua đây cũng gắn thêm trách nhiệm của sở hữu giống, nhất là những cây lâu năm là phải duy trì vườn cây đầu dòng. Đây được coi là điều kiện để được công nhận lưu hành là phải có vườn cây đầu dòng, nếu không giống đó sẽ bị đưa ra khỏi danh mục, ông Sơn cho biết.

Hướng đến giải quyết những tồn trại trong phát triển trồng trọt chưa được thực hiện theo chuỗi giá trị từ khâu giống đến chế biến, thương mại sản phẩm, dự thảo Luật Trồng trọt cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người sản xuất. Theo đó, các quy định về vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quản lý vùng trồng sẽ nhằm mục tiêu đảm bảo nền sản xuất hàng hóa lớn nhưng nắm được tình hình để điều tiết sản xuất.

Bên cạnh đó, cũng nhằm đưa nông dân cùng thống nhất một quy trình sản xuất và hướng tới sản phẩm có chứng nhận. Có các hợp đồng chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp hoặc giữa nông dân với nông dân để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với nông dân.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định, cần sớm ban hành Luật Trồng trọt để quản lý toàn diện các vấn đề trong hoạt động trồng trọt theo chuỗi giá trị, thuận lợi hóa cho sản xuất trồng trọt, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm; đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Searice, FAO, Oxfam... chia sẻ về những thách thức, xu hướng và các vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp toàn cầu; vai trò của nông dân trong nông nghiệp và quản lý giống; tác động của việc họn giống cộng đồng; an ninh lương thực... nhằm có thêm những đóng góp cho dự thảo luật này.

Hội thảo diễn ra đến ngày 21/3. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục