Đức yêu cầu Daimler làm rõ về nghi vấn gian lận khí thải

21:08' - 28/05/2018
BNEWS Chính phủ Đức đã yêu cầu hãng ô tô Daimler trong vòng 2 tuần phải đưa ra lời giải thích về nghi vấn một số mẫu xe của hãng này được trang bị những thiết bị gian lận khí thải
Đức yêu cầu Daimler làm rõ về nghi vấn gian lận khí thải. Ảnh: EPA

Chính phủ Đức ngày 28/5 đã yêu cầu hãng ô tô Daimler, nổi tiếng với dòng xe Mercedes, trong vòng 2 tuần phải đưa ra lời giải thích đầy đủ về nghi vấn một số mẫu xe của hãng này được trang bị những thiết bị gian lận khí thải.

Phát biểu sau cuộc họp với lãnh đạo Daimler Dieter Zetsche, Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer cho biết "Chúng tôi sẽ bắt đầu một cuộc trao đổi sâu hơn về những vấn đề kỹ thuật phức tạp" nhằm xác định số lượng xe được cài thiết bị này.

Bộ trưởng Scheuer cho biết đã yêu cầu ông Zetsche làm rõ vấn đề và đưa ra kết quả cụ thể trong cuộc họp được tổ chức sau đây 14 ngày.

Nếu những nghi ngờ của Cơ quan Vận tải Liên bang Đức (KBA) được xác nhận, Daimler sẽ là hãng ô tô nổi tiếng tiếp theo của Đức bị dính vào bê bối gian lận khí thải sau Volkswagen (VW).

Tuần trước, KBA đã yêu cầu Daimler thu hồi 5.000 chiếc Mercedes Vito sau khi phát hiện mẫu xe này được cài các thiết bị gian lận khí thải.

Tuy nhiên, đến nay, Daimler vẫn bác bỏ các cáo buộc thậm chí cảnh báo sẽ đưa vấn đề này ra tòa. Trong khi đó, hãng chế tạo ô tô này cũng khẳng định sẽ hợp tác với giới chức và sẽ công khai bản cập nhật phần mềm liên quan đến vụ việc.

Truyền thông Đức cho biết Daimler có thể sẽ phải thu hồi 600.000 xe ô tô trên toàn thế giới, trong đó có hàng chục nghìn chiếc Mercedes Class C do vụ bê bối trên.

Trong khi đó, tờ Sueddeutsche Zeitung cũng cho biết những chiếc ô tô bị tình nghi là do hãng ô tô Renault, đối tác lâu năm của Daimler, sản xuất.

Tại Pháp, một nhóm điều tra độc lập cũng phát hiện rằng có nhiều ô tô, trong đó có những mẫu xe của Renault, chạy bằng diesel được bán nội địa phát thải gấp nhiều lần mức cho phép.

Ngành sản xuất ô tô Đức đang là tâm điểm của truyền thông và các nhà điều tra hình sự trong gần 3 năm qua sau khi hãng VW, công ty mẹ của Porsche, thừa nhận sử dụng thiết bị điều chỉnh thông số khí thải cho 11 triệu xe chạy động cơ diesel trên toàn thế giới. Cho đến nay, VW tốn khoảng 25 tỷ euro (31 tỷ USD) để xử lý hậu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục