Dự báo những sự kiện chính trong nền kinh tế Nga 2018 (Phần 1)

05:30' - 16/01/2018
BNEWS Hãng tin Ria Novosti dự đoán 10 sự kiện chính sẽ diễn ra trong nền kinh tế Nga trong năm 2018, năm mà nước này sẽ có một nhiệm kỳ tổng thống mới và chính phủ mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tranh cử Tổng thống Nga năm 2018. Ảnh: TTXVN

Chính phủ mới và những cuộc cải cách mới: Sự kiện trung tâm của năm 2018 là cuộc bầu cử tổng thống Nga, kèm theo là chính phủ cũ từ chức để thành lập chính phủ mới. 

1- Nhiệm vụ then chốt của khối kinh tế trong chính phủ mới là đảm bảo kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng trên 3%. 

Để đạt được mục tiêu này, chắc chắn chính phủ sẽ phải tiến hành cải cách trong hệ thống tòa án, bảo vệ quyền sở hữu và cải thiện tình hình đầu tư.

Theo đánh giá hiện tại, niềm tin kinh doanh ở Nga còn khá thấp, do còn nhiều điều kiện không rõ ràng về tương lai hệ thống thuế, sức ép lên doanh nghiệp từ các cơ quan kiểm tra-kiểm soát còn cao, niềm tin vào lạm phát thấp, sự ổn định tỷ giá đồng nội tệ và lãi suất còn chưa chắc chắn.

 2 - Cải cách thuế 22/22: Một cam kết từ lâu của Chính phủ Nga là làm cho hệ thống thuế trở nên minh bạch và mang tính dự báo. Khối kinh tế-tài chính trong chính phủ đã để ngỏ khả năng cho phép khu vực sản xuất trả ít thuế hơn, còn người tiêu dùng, đặc biệt là khi mua nhiều hàng hóa đắt tiền, thì trả nhiều hơn.

Bộ Kinh tế Nga đề xuất giảm mức thuế bảo hiểm 30% mà người sử dụng lao động hiện đang lấy từ quỹ lương lao động để nộp cho người lao động, chuyển số thuế này sang thuế GTGT, loại thuế được tính vào giá hàng hóa, và thiết lập cả hai loại thuế này (bảo hiểm và GTGT) ở mức 22% (hiện thuế GTGT đang là 18%).

 3 - Vấn đề hưu trí: Nga hiện vẫn chưa có câu trả lời cho bài toán: tăng hay không tăng tuổi về hưu. Chính phủ hiện chưa nhất trí với phương án tăng với lý do quỹ hưu trí vẫn có đủ tiền, nhất là khi có phần nộp lương hưu tích lũy còn đang “bị đóng băng” của những người chuẩn bị về hưu. 

Hiện Ngân hàng Nga đưa ra dự án Vốn hưu trí cá nhân (IPK), theo đó vốn này được hình thành từ nguồn nộp tự nguyện của công dân vào các quỹ hưu trí phi chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa tiến hành thảo luận chi tiết của dự án này.

 4 - Danh sách “đen” của ông Trump: Chính quyền Mỹ đang thực hiện chính sách mập mờ đối với Nga, và hy vọng rằng chính sách này sẽ gây nhiều thiệt hại hơn cho Nga. 

Theo luật đã ban hành, vào tháng 2/2018, Quốc hội Mỹ sẽ dự thảo ra một danh sách “đen” mới gồm các công dân Nga phải chịu các biện pháp trừng phạt cá nhân. Ngoài ra, Washington còn dự định thảo luận mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với nợ quốc gia của Nga.

Với hy vọng rằng các biện pháp mới sẽ không làm nản lòng nhà đầu tư, Nga vẫn chuẩn bị một kịch bản xấu nhất, đó là Bộ Tài chính tuyên bố đã xây dựng các công cụ thay thế cho vay trong nước phòng trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài từ bỏ cổ phiếu Nga do lo sợ trừng phạt. 

Trong năm 2018, Bộ này dự định thử phát hành một loại công cụ mới – trái phiếu liên bang bằng đồng NDT, để thu hút nhà đầu tư Trung Quốc. Một phần trái phiếu ngoại tệ (Eurobond) cũng được Chính phủ Nga quyết định bán cho các nhà đầu tư trong nước, những người đã “hồi hương” đồng vốn mà họ chuyển ra nước ngoài trước kia.

 5 - Đen thành Trắng: Người Nga giàu có buộc phải “hồi hương” tiền của mình không chỉ vì nguy cơ rơi vào danh sách trừng phạt, mà còn bởi kế hoạch đã được Nhóm G20 thông qua về ngăn chặn rửa tiền và trốn thuế. 

Theo đó, tất cả các nước, kể cả các khu vực tài phán phi thuế quan, đều nhất trí trao đổi tự động thông tin thuế của công dân.Từ năm 2018, Nga sẽ tham gia vào cơ chế trao đổi đó.

Ngoài ra, nếu trong năm 2018 các doanh nhân Nga đóng các công ty ở nước ngoài của mình và chuyển tiền về Nga, họ sẽ không phải trả thuế thu nhập 13% cho số tiền này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục