Dự án VnSAT thúc đẩy sự hình thành các tổ chức nông dân

14:08' - 02/03/2017
BNEWS Hiện nay, việc hình thành các tổ chức nông dân có kiến thức canh tác tiên tiến, có trình độ nhận thức về sản xuất nông nghiệp bền vững và nắm trong tay khoa học công nghệ là hết sức cần thiết.
Dự án VnSAT thúc đẩy sự hình thành các tổ chức nông dân. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh nông sản của việt Nam bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới việc hình thành các tổ chức nông dân có kiến thức canh tác tiên tiến, có trình độ nhận thức về sản xuất nông nghiệp bền vững và nắm trong tay khoa học công nghệ là điều hết sức cần thiết. Đây sẽ là nền tảng cho sự hình thành những chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam.

Ngày 2/3, tại TP. Hồ Chí Minh, dự án VnSAT đã tổ chức tổng kết đánh giá hoạt động Hợp phần B: phát triển lúa gạo bền vững và định hướng công tác triển khai các hoạt động của dự án cho năm 2017. Tham dự hội nghị có đại diện Ngân hàng Thế giới, Lãnh đạo Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Lãnh đạo các Sở NN&PTNT, Ban quản lý dự án VnSAT của 8 tỉnh ĐBSCL (gồm An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang) và các đơn vị liên quan.

Tại Hội nghị tổng kết, bên cạnh những thành tích đã đạt được Ban quản lý dự án Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn và nhược điểm còn tồn tại trong quá trình triển khai dự án. Trong đó, Ban quản lý dự án Trung ương nhấn mạnh cần tập trung hỗ trợ sự hình thành các tổ chức nông dân, các cán bộ ban quan quản lý VnSAT các Tỉnh có trách nhiệm phải đồng hành hỗ trợ và giúp các tổ chức nông dân trong quá trình vận hành hoạt động.

Ông Sergiy Zorya – Chuyên gia kinh tế cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng thế giới cho biết: “Việc tăng cường hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Mặc dù lúa gạo chúng ta sản xuất nhiều nhưng chất lượng còn kém và liên quan đến vấn đề môi trường, xã hội.

Chính vì vậy, ngoài việc cung cấp nguồn vốn tín dụng lớn, Ngân hàng Thế giới còn hỗ trợ tái cơ cấu để người nông dân được tiếp cận đến những kĩ thuật quan trọng như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm cho trồng lúa và cà phê. Đồng thời, thông qua những biện pháp như giảm nước, giảm phân hóa học, giảm thuốc trừ sâu, tăng cường lợi ích, lợi nhuận của người nông dân so với trước đây.

Như vậy, nhờ việc tái cơ cấu này giúp cho sản xuất lúa gạo và cà phê thân thiện với môi trường hơn, đồng thời tăng thêm lợi ích cho người nông dân. Chính vì vậy tôi rất ủng hộ tinh thần quyết liệt triển khai hỗ trợ hình thành tổ chức nông dân của Ban dự án VnSAT trung ương.”

Trong năm 2017 Ban quản lý dự án VnSAT trung ương sẽ tập trung triển khai đẩy mạnh sự hình thành của các tổ chức nông dân, hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp chế biến lúa gạo và kết nối tổ chức nông dân với các doanh nghiệp tham gia dự án để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững tại khu vực ĐBSCL.

Theo ông Đặng Minh Cường - Phó giám đốc dự án VnSAT, trong khuôn khổ dự án Vnsat có hai đối tượng được đặc biệt quan tâm đó là nông dân và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lúa gạo. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, trang thiết thiết bị của dự án sẽ hình thành những tổ chức nông dân mạnh tạo ra được sản phẩm lúa gạo chất lượng.

"Tuy nhiên, để duy trì được việc này thì quan trọng nhất sản phẩm gạo chất lượng đó phải được đưa ra thị trường bởi những doanh nghiệp có công nghệ chế biến tốt, có thương hiệu trên thị trường. Chính vì vậy, việc hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp chế biến lúa gạo là đặc biệt quan trọng để đảm bảo tính bền vững của chuỗi giá lúa gạo. Trong năm 2017, chúng tôi sẽ quyết liệt triển khai hoạt động hỗ trợ tín dụng của dự án", ông Cường nói thêm.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, thẳng thắn  hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham gia.

VnSAT là dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), được triển khai từ năm 2015-2020 với tổng số vốn 301 triệu USD. Dự án được triển khai trên 13 tỉnh, gồm 5 tỉnh Tây Nguyên: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và 8 tỉnh vùng ĐBSCL: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang.  
Mục tiêu chung của dự án là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo, cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa lớn của Việt Nam là ĐBSCL và Tây Nguyên.  

>>> Giá lúa gạo nội địa vẫn tăng cao: Đâu là nguyên do?

>>> Đề xuất phương án “cởi trói” cho kinh doanh xuất khẩu gạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục