Đột phá kinh tế từ chăn nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học

07:11' - 11/11/2017
BNEWS Nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học là hướng mới, có bước đột phá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Bắc Ninh.
Đột phá kinh tế từ chăn nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học. Ảnh minh họa: Nguyên Lý-TTXVN

Nhiều nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Tỉnh Bắc Ninh có trên 5.300 ha mặt nước, đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản; trong đó, gần 1.000 ha đã được các chủ trang trại ứng dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, từng bước hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mô hình chăn nuôi cá thương phẩm sử dụng công nghệ cao của gia đình anh Ngô Xuân Trường, thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài là điển hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bắt tay khởi nghiệp từ năm 2005, với 3 ha ruộng trũng cấy lúa một vụ bấp bênh của địa phương, anh Tài đã bố trí diện tích thành 4 ao to nuôi cá thịt với các giống rô phi đơn tính, trôi, mè, trắm, chép và 3 ao nhỏ chuyên ươm nuôi cá giống để phục vụ tại chỗ cho gia đình.

Tất cả ao nuôi đều cơ bản được cứng hoá, đáp ứng tốt nhu cầu nuôi thâm canh cao sản. Đặc biệt, để giúp cá nuôi đủ lượng ô xi trong nước, anh Trường đầu tư sử dụng hệ thống quạt nước tại ao nuôi giúp cá nhanh lớn, ít bệnh tật.
Bên cạnh việc phát triển nuôi cá thương phẩm quy mô lớn, anh Trường còn thuê lại gần 7 ha diện tích đất của người dân để trồng lúa kết hợp nuôi cá. Vào vụ xuân, toàn bộ 7 ha ruộng được anh gieo thẳng bằng giống lúa chất lượng cao. Vụ mùa anh đưa nước vào nuôi cá trắm để tận dụng lượng thóc rơi vãi, trau non và cua ốc làm thức ăn cho cá.
Với cách làm này, giúp hạn chế được chi phí thức ăn, lợi nhuận tăng lên 30% - 40% tổng doanh thu. Anh Ngô Xuân Trường cho biết, mong muốn cơ quan chức năng chứng nhận cho người dân chăn nuôi quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 20 đến 30 năm để có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng phát triển chăn nuôi quy mô lớn hơn.
Mô hình thâm canh nuôi cá ứng dụng kỹ thuật mới của gia đình ông Lưu Gia Mừng ở thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình là mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng sang nuôi thủy sản. Ông Mừng là người tiên phong trong thôn ứng dụng kỹ thuật nuôi cá theo hướng an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi và trong quá trình chăm sóc cá.
Tại mô hình của ông Mừng, định kỳ 2 tuần thực hiện xử lý chất thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Hàng ngày, ông cho cá ăn bổ sung men vi sinh trộn lẫn trong thức ăn nhằm tăng khả năng miễn dịch và kích thích cá lớn nhanh. Trong ao nuôi phải thường xuyên xử dụng quạt nước bổ sung ô xi cho cá.
Nhờ vậy, môi trường ao nuôi tốt, cá lớn nhanh và không có dịch bệnh. Vì vậy, trong khi cả tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu đạt mô hình nuôi trồng thủy sản 400 triệu đồng/ha, thì của gia đình ông nhiều năm nay chỉ có 1,8 mẫu đất chuyển đổi đã cho thu khoảng 600 triệu đồng/năm, trừ chi phí cũng cho lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ông Lưu Gia Mừng, thôn Gia Phú, Bình Dương, Gia Bình cho biết, trước khi thả cá, điều kiện đầu tiên là phải phơi ao, sau đó rắc vôi đều quanh ao, để một thời gian nhất định rồi đưa nước vào ao. Theo cách truyền thống, thì thả cá trắm trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg, cá chép từ 5 đến 10 con trong 1 kg, nuôi khoảng 6 tháng là cho thu hoạch.
Thực tế cho thấy hiệu quả sử dụng rất tốt, hướng tới giảm sử dụng hóa chất và không sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, cá, tạo ra sản phẩm nuôi chất lượng cao, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Mô hình nuôi cá thâm canh trong ao đất có sử dụng quạt nước và chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi phát triển ở nhiều địa phương, giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt; khống chế được dịch bệnh; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt.
Đến nay, diện tích nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 900 ha, chiếm 16,4% diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đang xây dựng đề án phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao với quy mô khoảng 1.000 ha.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh cho biết, để các hộ nuôi cá được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn cung cấp sản phẩm cá sạch cho khu công nghiệp, cũng như đáp ứng nhu cầu người dân thì Chi cục Thủy sản tỉnh cần sớm hoàn thiện Đề án phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giúp các hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm an toàn.
Như vậy, để tăng giá trị và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi, tạo được sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng thì cần phải hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là hướng phát triển trong tương lai./.

>>> Tiền Giang phát triển nuôi thủy sản xuất khẩu vùng ven biển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục