Đồng USD không giữ được đà tăng sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

10:39' - 09/05/2018
BNEWS Trong phiên giao dịch ngày 8/5, tại thị trường New York, đồng USD đã "vọt" lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2018 so với rổ tiền tệ quốc tế.
Đồng USD không giữ được đà tăng sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong phiên giao dịch ngày 8/5, tại thị trường New York, đồng USD đã "vọt" lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2018 so với rổ tiền tệ quốc tế, do lo ngại về bất ổn chính trị tại Italy, trước khi đà tăng này bị thoái trào phần nào bởi quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Đầu phiên này, chỉ số đồng USD, thước đo chính đánh giá diễn biến của đồng bạc xanh trong rổ sáu đồng tiền quốc tế chủ chốt, chạm mức 93,28, cao nhất kể từ tháng 12/2017. Tuy nhiên, đến cuối phiên, chỉ số này đã "hạ nhiệt" xuống còn 93,1, dù vẫn tăng 0,4% so vói phiên trước đó. Đồng euro để mất 0,5% trong phiên này so với đồng USD, giao dịch ở mức 1,1836 USD/euro- thấp nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái- giữa bối cảnh bế tắc chính trị tại Italy vẫn chưa tìm được lối thoát sau khi các đảng không đạt được đồng thuận để thành lập chính phủ trong phiên tham vấn mới của Tổng thống Italy Sergio Mattarella. Đồng tiền chung châu Âu cũng hạ so với đồng yen của Nhật Bản, xuống 129,32 yen/euro. Trong khi đó, đồng yen lại mạnh lên so với đồng USD, đứng ở mức 109,06 yen/USD, do nhu cầu tìm về các tài sản an toàn có xu hướng gia tăng. 

Tuy nhiên, đà tăng mạnh của đồng bạc xanh chỉ diễn ra trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vào chiều 8/5 (rạng sáng 9/5 theo giờ Hà Nội). Các đồng tiền của các thị trường tiền tệ mới nổi và dùng để định giá hàng hóa đều giảm trong phiên này, bởi giới đầu tư lo ngại việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu đầu tư rủi ro vào các thị trường tài chính. Tuy nhiên, đồng USD vẫn được nâng đỡ bởi đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất, bất chấp các số liệu mờ nhạt mới đây của nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Tới phiên giao dịch sáng ngày 9/5 tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), đồng USD tăng nhẹ 0,05% so với đồng yen lên 109,210 yen/USD. Còn đồng euro biến động không đáng kể so với phiên trước đó, giao dịch ở mức 1,1867 USD/euro, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/12/2018 là 1,1838 USD/euro vào đêm trước. Đồng tiền chung châu Âu trải qua phiên giảm giá thứ tám so với đồng yen của Nhật Bản, xuống 129,4 yen/euro, sau khi chạm mức "đáy" của sáu tuần là 129,240 yen/euro trong phiên trước đó. Trong khi đó, đồng bảng Anh lại phục hồi nhẹ so với đồng USD, giao dịch ở mức 1,3558 USD/bảng Anh, sau khi chạm mức thấp nhất bốn tháng vào đêm trước. Đồng bảng Anh giảm khá mạnh trong vài tuần gần đây do dự báo Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ không thắt chặt chính sách tiền tệ do "sức khỏe" của nền kinh tế này còn khá yếu và giới đầu tư bị hấp dẫn hơn bởi đồng USD mạnh. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục