Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh hiến kế phát triển nhanh, bền vững

18:57' - 17/03/2018
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh cần có định hướng phù hợp cho hoạt động khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao...
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Thế Anh – TTXVN

Tp. Hồ Chí Minh cần có định hướng phù hợp cho hoạt động khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành nghề có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao nhằm thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Đó là đề xuất của các doanh nghiệp tại “Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2018 với chủ đề: Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển Tp. Hồ Chí Minh nhanh, bền vững” do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 17/3.
*Nhận diện những bất cập
Các dự án đầu tư công được xem là một trong những thị trường vô cùng “hấp dẫn” đối với các doanh nghiệp bởi không chỉ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu mà còn là “bảo chứng” cho thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp với các đối tác khác. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân có thể khai thác được các lợi ích này.
Ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Chỉ thị số 494/CT-TTG ngày 20/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ cần tăng cường việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Việc này có tác động tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 494 trong thực tế vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Hàn, trong những năm gần đây Việt Nam, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển khá nhanh về mọi mặt, trong đó nhiều dự án đầu tư công có giá trị lớn được phê duyệt, triển khai nhưng do những bất cập, vướng mắc về việc xét duyệt tiêu chuẩn đấu thầu, hầu hết doanh nghiệp của thành phố đều phải đứng nhìn hoặc chỉ làm thầu phụ cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Về năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn nêu thực tế, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh đã đạt hơn 35 tỷ USD/năm nhưng hơn 70% giá trị xuất khẩu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nắm giữ, tỷ trọng xuất khẩu của của các doanh nghiệp thành phố còn khá khiêm tốn.

Nguyên nhân là do quy mô doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, sản phẩm xuất khẩu chưa tạo được nét đặc thù và lợi thế cạnh tranh riêng. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu theo hướng tự phát còn thành phố chưa có định hướng, chiến lược xây dựng ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đặc thù.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Việt Anh, mức độ thu hút đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI còn cho thấy Tp. Hồ Chí Minh là địa điểm lý tưởng để phát triển dịch vụ logistics, một ngành dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, trên thực tế, Tp. Hồ Chí Minh lại đang mất dần các lợi thế cạnh tranh so với các địa phương lân cận và các quốc gia trong khu vực do “điểm nghẽn” về hạ tầng.
Liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu cho rằng: Trong những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là tại Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp hiện nay còn rất thấp.
Nguyên nhân là do chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được hoàn thiện. Theo đó, một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm các yếu tố nguồn nhân lực, vốn, sự hỗ trợ của nhà nước, không gian làm việc và công đồng cố vấn.

Trên thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp hầu như chưa có vốn tự thân, trong khi đó các quỹ đầu tư khởi nghiệp mất rất nhiều thời gian để giải ngân, thậm chí không thể giải ngân. Thêm vào đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có một hội đồng cố vấn đúng nghĩa để dẫn dắt, hỗ trợ trong việc xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phản ánh, chất lượng cải cách thủ tục hành chính hiện nay chưa đồng đều giữa các cấp, vẫn còn tình trạng “ trên nóng, dưới lạnh”, lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt nhưng công chức thực thi chưa hiệu quả, khiến môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố bị ảnh hưởng.
*Hiến kế thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững
Các doanh nghiệp nhận định, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang và sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế tạo.

Vì vậy, việc nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp của thành phố tham gia vào dự án đầu tư công của thành phố có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển nội lực cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố kiến nghị, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh căn cứ Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù đối với thành phố để nghiên cứu, điều chỉnh và quy định riêng cách thức mời thầu các dự án đầu tư công, các dự án có sử dụng vốn ODA theo hướng ưu tiên cho doanh nghiệp thành phố tham gia dự thầu.
Cụ thể, thành phố nên quy định tỷ lệ sử dụng dịch vụ, sản phẩm Việt Nam theo từng lĩnh vực của dự án. Thêm vào đó, cần quy định tiêu chuẩn hàng hóa thay vì xuất xứ hàng hóa trong các dự án mời thầu, không đặt nặng điều kiện tham gia đấu thầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành phố liên kết để tham gia dự thầu.
Ngoài ra, thành phố cần cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch và kịp thời kế hoạch các dự án đầu tư công sẽ mời thầu để doanh nghiệp thành phố biết và có thời gian chuẩn bị tham gia.

Khi đàm phán các gói thầu lớn, lãnh đạo thành phố cần quan tâm tỷ lệ nội địa hóa đối với các thiết bị mà doanh nghiệp thành phố đã sản xuất, chế tạo được, ví dụ như các linh kiện, thiết bị ngành cơ khí, điện chất lượng cao, đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia phát triển.
Để nâng cao tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển các ngành sản xuất chủ lực, lựa chọn các mặt hàng mang tính đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh cao.

Trong đó, phải ưu tiên cho các ngành hàng, sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng, hạn chế mở rộng các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ cũ.
Về ngành logistics, ông Trần Việt Anh đề xuất, thành phố cần chú trọng đầu tư hạ tầng, trung tâm dịch vụ logictics quy mô lớn.

Đồng thời có chính sách tốt về chi phí để thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài sử dụng dịch vụ. Hơn nữa, trong mọi lĩnh vực, cần quan tâm phát triển nhóm doanh nghiệp tiên phong, có khả năng dẫn dắt và hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Liên quan tới chất lượng khởi nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu đề xuất, thành phố cần đưa ra những chính sách tập trung hỗ trợ tập trung vào 5 yếu tố là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn, sự hỗ trợ của nhà nước, không gian làm việc và cộng đồng các cố vấn nhằm thúc đẩy hiệu quả khởi nghiệp.
Cụ thể, nên có các chính sách khuyến khích và tôn vinh các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ sự phát triển cộng đồng khởi nghiệp và cũng gắn trách nhiệm của các Hội nghề nghiệp trong chương trình khởi nghiệp.

Cùng với đó, thành phố nên thông qua Hội doanh nghiệp hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp bằng cách tạo dựng không gian làm việc với vị trí tốt, hạ tầng tốt và giá cả hợp lý, bằng cách này thành phố cũng có thể mời gọi các vườn ươm ở các nước khác về hoạt động.
Theo ông Trần Anh Tuấn, bên cạnh việc tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp từ sự hỗ trợ của nhà nước, cái cốt yếu là thái độ nghiêm túc khởi nghiệp của các doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp phải thật sự có khát khao, có văn hóa không sợ thất bại, luôn tranh thủ cơ hội, nắm bắt sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp đi trước ở bất kỳ thời điểm nào.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đã đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố khẩn trương chủ trì, chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố nghiên cứu những nội dung hiến kế của các doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách của thành phố.

Đối với những ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị và những kiến nghị còn tồn tại, các cơ quan cần sớm giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Trung ương, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để huy động tối đa nguồn lực của doanh nhân, doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, tạo dột phá về phát triển nhanh, bền vững cho thành phố trong nhửng năm tới.
Đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp bằng những việc làm cụ thể như đảm bảo sự ổn định, tính nhất quán của các cơ chế chính sách đã đề ra, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm 30% các cuộc họp để dành thời gian đi thực tế để nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp, phấn đấu giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư của tổ công tác quy hoạch đầu tư xuống còn 50% so với quy định.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết: Thành phố cũng sẽ hỗ trợ toàn diện các yếu tố căn bản giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, thành lập tổ công tác chuyên ngành về đất đai, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để giải quyết quỹ đất cũng như nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thành phố cam kết tất cả các cơ chế chính sách đặc thù đang nghiên cứu và triển khai theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế sẽ tạo điều kiện làm cho doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển bền vững.
Qua hội nghị này, lãnh đạo thành phố cũng kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ tích cực đổi mới sáng tạo, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời mạnh dạn đầu tư, tăng cường liên kết, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nắm bắt tốt nhất các cơ hội từ hội nhập kinh tế, góp phần thiết thực vào mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của thành phố./.

Xem thêm:

>>>Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

>>>Phiên họp Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam - Cuba lần thứ 7

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục