Doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc sẽ là tiêu điểm của kinh tế khu vực

22:07' - 13/10/2017
BNEWS Các doanh nghiệp vùng Duyên hải phía Bắc và các doanh nghiệp Hải Phòng sẽ sớm trở thành tiêu điểm của kinh tế khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Với chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, thời gian qua Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng (VCCI Hải Phòng) đã có nhiều giải pháp hữu hiệu giúp cộng đồng doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc khắc phục khó khăn, chèo lái "con thuyền doanh nghiệp" vươn xa và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giám đốc VCCI Hải Phòng - Phí Văn Dực xung quanh vấn đề này:
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về cộng đồng doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc nói chung, doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng?
Ông Phí Văn Dực: Vùng Duyên hải phía Bắc từ lâu đã được định hướng trở thành vùng kinh tế quan trọng của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc cũng như cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng có sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nguồn thu từ thuế trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc nói chung là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của khu vực.
Theo số liệu thống kê năm 2016, trên địa bàn phụ trách của VCCI Hải Phòng đã có 6.659 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 49.714 tỷ đồng, tăng 14,6 % về số lượng doanh nghiệp và 46% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Cộng đồng doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc được tổ chức chặt chẽ, hình thành một hệ thống gắn kết giữa VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố đến các quận, huyện, thị xã để cùng nhau chia sẻ thông tin, thường xuyên tổ chức các hoạt động hàng tuần, hàng tháng nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp kết nối với doanh nghiệp, chính quyền các cấp để giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
VCCI Hải Phòng rất tự hào là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc luôn thích ứng với mọi tình huống, năng động, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương.
Phóng viên: Được biết khó khăn của những doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là chưa thực sự bình đẳng trong "sân chơi" kinh doanh, khó tiếp cận nguồn vốn vay do thiếu tài sản đảm bảo, nguồn nhân lực và kỹ thuật còn hạn chế. Với chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, VCCI Hải Phòng đã có những động thái gì để gỡ nút thắt này cho doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Phí Văn Dực: Hiện tại các Tập đoàn, Tổng công ty lớn có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực, kỹ thuật và nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Bằng các hoạt động của mình, VCCI Hải Phòng mong muốn giảm dần những bất lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp.
VCCI Hải Phòng có tổ chức các buổi cà phê sáng hàng tuần, các buổi giao ban Hiệp hội với sự tham gia của các các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, các Hiệp hội cùng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa với các ngành nghề đa dạng đến gặp gỡ, kết nối và chia sẻ những kinh nghiệm, thành công cũng như những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.
VCCI Hải Phòng cũng đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm giữa doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hằng năm, VCCI Hải Phòng tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, khóa học ngắn hạn với sự giảng dạy của những Giáo sư, Tiến sỹ thuộc các trường Đại học hàng đầu Việt Nam nhằm bồi dưỡng nâng cao kiến thức về quản trị nhân lực, tài chính, kế toán, thuế, đặc biêt là lớp bồi dưỡng kiến thức Giám đốc cho các chủ doanh nghiệp. Đây là những kiến thức vô cùng cần thiết giúp các Giám đốc doanh nghiệp quản lý doanh nghiệp của mình một cách hiệu quả cũng như cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp khác.
VCCI Hải Phòng còn tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc tế với đối tượng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước hợp tác với các đối tác nước ngoài cũng như tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bằng rất nhiều các hoạt động phong phú, VCCI Hải Phòng đã góp phần nâng cao vị thế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tạo sân chơi kinh doanh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp.
Phóng viên: Theo ông, để tận dụng được những thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cần phải xây dựng chiến lược gì?
Ông Phí Văn Dực: Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy, cách làm cũ và không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển ở trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến và năng suất cao.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc nói riêng phải đóng vai trò nòng cốt, tận dụng được những thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Để tận dụng tốt cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một tầm nhìn, một chiến lược cụ thể trong thời gian tới cũng như tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, trong chiến lược của mình, các doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo con người. Doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường quốc tế. Với chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, doanh nghiệp cần phải có những thay đổi về cơ cấu, phương thức quản trị doanh nghiệp với mục tiêu dài hạn.
Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần hướng tới áp dụng những công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí, đặc biệt là tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao, không gây ô nhiễm môi trường. Đây chính là yếu tố giúp các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường quốc tế.
Nếu doanh nghiệp nhận thức được thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và có chiến lược đúng đắn về nguồn nhân lực, phương thức quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tin tưởng rằng các doanh nghiệp vùng Duyên hải phía Bắc và các doanh nghiệp Hải Phòng sẽ sớm trở thành tiêu điểm của kinh tế khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục