Doanh nghiệp Đồng Tháp kết nối tiêu thụ hàng hóa tại Tp. Hồ Chí Minh

15:08' - 28/04/2018
BNEWS Ngày 28/4, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của 2 địa phương.
Dệt chiếu bằng máy tại làng nghề chiếu Định Yên, Đồng Tháp. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Tọa đàm diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng; sản phẩm công nghiệp tiêu dùng; hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn có truy xuất nguồn gốc và có khả năng xuất khẩu cho các đơn vị sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh có 44 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận, như: làng nem Lai Vung, làng hoa Tân Quy Đông, làng bột Sa Đéc, làng chiếu Định Yên…

Để giữ gìn, phát huy các giá trị sản phẩm làng nghề, người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã, đang nỗ lực đổi mới sáng tạo để tăng thêm giá trị cho các mặt hàng đặc sản.

Với sự chủ động đó, các sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa, mang nét đặc trưng riêng của tỉnh Đồng Tháp đã từng bước tạo được những dấu ấn trong lòng khách hàng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, qua nhiều năm thực hiên chương trình kết nối cung cầu giữa tỉnh Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trong đó, sản lượng lớn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Đồng Tháp đã được tiêu thụ tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh và thị trường cả nước.

Tọa đàm tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh Đồng Tháp với các doanh nghiệp phân phối của Thành phố Hồ Chí Minh lần này, được kỳ vọng tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; mang lại cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao kỹ thuật để hoạt động sản xuất tốt hơn, tạo động lực cho doanh nghiệp chủ động hội nhập thị trường thương mại tự do.

Trong khuôn khổ Tọa đàm, còn có hơn 30 doanh nghiệp đến từ tỉnh Đồng Tháp trưng bày sản phẩm chủ lực và nhu cầu kết nối cung cầu các mặt hàng gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gạo an toàn, gạo hữu cơ; sản phẩm sau gạo như phở, hủ tiếu, bún, miến các loại; các sản phẩm bột; các loại trái cây; trái cây, củ, quả sấy; thủy sản chế biến; thủ công mỹ nghệ: hoa kiểng… Hầu hết, các doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm lần này, đều có đầy đủ giấy tờ chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhãn hiệu và sản phẩm bước đầu được thị trường chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Nữa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm sạch Bảy Nữa cho hay, hiện, sản phẩm khô các loại như kho ếch, chà bông ếch… của công ty đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phân phối đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Mỗi tháng, Bảy Nữa cung ứng cho thị trường 100 – 200kg chà bông ếch với giá 700.000 đồng/kg; Sản phẩm được chào bán tại các khu du lịch, điểm dừng chân…

Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường lớn nên công ty mong muốn đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, nhất là kênh bán lẻ hiện đại để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp cận người tiêu dùng… từ đó từng bước mở rộng thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc kinh doanh, Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất – Thương mại Nông sản Hùng Tấn cho biết, sản phẩm nông sản sấy khô Hùng Tấn được sản xuất từ nguồn nhiên liệu xanh, sạch của trái cây tự nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long như chuối, mít, khoai lang vàng, khoai lang tím… với trọng lượng đa dạng từ loại 30g cho đến 200g.

Các sản phẩm được sản xuất từ dây chuyền khép kính công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt không dùng các chất hóa học trong quá trình sản xuất, không cholecterol, tốt cho sức khỏe mọi lứa tuổi. Đây là sản phẩm tiện lợi, phù hợp cho giới trẻ, du khách, làm quà tặng…

Hùng Tấn mong muốn kết nối và đưa được sản phẩm vào kinh doanh tại các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng Tháp là một trong những địa phương rất tích cực trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức tổng cộng 10 đợt kết nối cho các đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh với các nhà mua hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, có 8 đợt tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh và 2 đợt ở tỉnh Đồng Tháp. Riêng tại đợt kết nối lần này, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết 14 Biên bản ghi nhớ, hợp đồng liên kết.

Đánh giá cao về những kết quả đạt được trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian tới hai địa phương cần tăng cường phối hợp thúc đẩy hình thành các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, phát triển mô hình chuỗi cung ứng hiệu quả…

Song song đó, tăng cường phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa hai địa phương.

Đặc biệt, hướng đến mục tiêu đáp ứng chất lượng, phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu theo các quy trình VietGap, GlobalGap… cùng với quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất quy mô lớn./.

Xem thêm:

>>>Khuyến cáo doanh nghiệp thận trọng mua bán hồ tiêu nguyên liệu

>>>Tổng công ty Phát điện 1 đẩy nhanh cổ phần hóa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục