Điểm nhấn trong Đối thoại Kinh tế Mỹ-Trung

06:30' - 03/08/2017
BNEWS Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã ký nghị định thư về vệ sinh an toàn thực phẩm, mở đường để Mỹ xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.
Điểm nhấn trong Đối thoại Kinh tế Mỹ-Trung. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự kiện trên diễn ra trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế toàn diện Mỹ-Trung tổ chức tại Washington. Theo mạng "Inside US Trade", các đại diện ngành sản xuất gạo của Mỹ đã hoan nghênh thông báo trên, nhưng lưu ý rằng thỏa thuận này không có nghĩa là các nhà sản xuất Mỹ có thể xuất khẩu gạo ngay sang thị trường Trung Quốc.

Việc ký nghị định thư là một thành công lớn, quan trọng, nhưng chỉ là bước đi đầu tiên. Theo họ, việc tiếp cận thị trường gạo Trung Quốc là rất khó khăn và các chuyến hàng vận chuyển gạo sẽ không thể bắt đầu ngay ngày mai. Với thỏa thuận đạt được, Mỹ mới chỉ tiến gần hơn tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đặt ra cho gạo của Mỹ.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, các cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ trực tiếp kiểm tra các cơ sở sản xuất và xay xát gạo của Mỹ để chứng nhận trước khi gạo được xuất khẩu sang nước này. 

Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà sản xuất gạo Mỹ, với quá trình này nhanh nhất vài tháng nữa Mỹ mới có thể xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Trung Quốc. Hiện phía Mỹ đang trông chờ nhóm giám sát viên kỹ thuật của Trung Quốc sang làm việc.

Trung Quốc đã mở cửa thị trường gạo khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, nhưng gạo của Mỹ vẫn không thể xuất khẩu vào thị trường này do hai nước chưa ký nghị định thư về việc ngăn chặn các loại sâu bệnh gây hại vào Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đã nhập khẩu 5 triệu tấn gạo trong năm 2016. Bộ này dự kiến Trung Quốc sẽ sản xuất 159,5 triệu tấn gạo trong niên vụ 2017-2018 và sẽ nhập khẩu 5,5 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng gạo của Mỹ trong thời gian này dự kiến là 6,9 triệu tấn.

Giới quan sát nhận định Đối thoại Kinh tế toàn diện Mỹ - Trung lần này không có đột phá. Hai bên không ra tuyên bố chung, không có họp báo hay thông báo về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc của Mỹ. Một quan chức giấu tên trong Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết hai bên đã bất đồng trong phần lớn các lĩnh vực quan trọng.

Đối thoại Kinh tế toàn diện Mỹ - Trung khởi động ngày 19/7 - đánh dấu mốc kết thúc khoảng thời gian 100 ngày mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ấn định cho việc hai bên thống nhất được một kế hoạch toàn diện để cài đặt lại mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sự bế tắc của các cuộc đàm phán kinh tế phản ánh những khó khăn tương tự trong quan hệ ngoại giao của Chính quyền Trump với Bắc Kinh. Không lâu sau hội nghị thượng đỉnh ở Mar-a-Lago, ông Trump đã bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan, triển khai máy bay tiêm kích và tàu chiến tới Biển Đông để tái khẳng định nước Mỹ có quyền tự do đi lại tại vùng biển tranh chấp này.

Ông Trump cũng thắt chặt trừng phạt kinh tế đối với những công ty và ngân hàng bị cáo buộc là tiến hành những giao dịch kinh doanh hỗ trợ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Đặc biệt, vấn đề Triều Tiên có thể ảnh hưởng lên chủ trương kinh tế của ông Trump đối với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ từng nói rằng ông sẽ có một số nhượng bộ với Trung Quốc trong vấn đề thương mại để đối lấy việc Bắc Kinh kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục