Đi trước để đưa ra những "sản phẩm" thị trường cần

09:20' - 18/03/2018
BNEWS Nhiều chuyên gia cho rằng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 đang là một trong những vấn đề cấp bách, cần có sự đổi mới để phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Các học viên thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động tới tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, tạo cơ hội mới cho nền kinh tế, song cũng đặt ra thách thức lớn về trình độ, kỹ thuật cao. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 đang là một trong những vấn đề cấp bách, cần có sự đổi mới để phù hợp với yêu cầu hội nhập. 

Ngành cơ khí được xem là một trong những ngành nghề cốt lõi của nền công nghiệp Việt Nam. Song trải qua hàng chục năm phát triển, đến nay, ngành này vẫn được đánh giá là non trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều. 

Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) dự báo nhu cầu nhân lực liên quan đến cơ khí trong thời gian tới sẽ chiếm khoảng 28% tổng nhu cầu lao động. Trong đó, nhân sự trình độ trung cấp có nhu cầu nhiều nhất, tới 50%; kế đến là cao đẳng – đại học 30%. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, đến năm 2020, ngành cơ khí, chế tạo chính xác, tự động hoá có nhu cầu lao động trình độ lớn hơn 20.000 người/năm. Đó là chưa kể đến nhu cầu của các công ty, dự án nước ngoài đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam trong điều kiện hội nhập sâu, rộng. 

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh cho hay, doanh nghiệp đã không ngừng xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, tiếp nhận những kỹ sư, kỹ thuật viên trẻ được đào tạo cơ bản với trình độ đại học, cao đẳng, sau đại học và đội ngũ công nhân từ các trường công nhân kỹ thuật, trường đại học kỹ thuật công nghệ. Tuy nhiên, cũng là rất khó để có được những kỹ sư, công nhân tay nghề cao. 

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch VAMI bày tỏ, ngành cơ khí – luyện kim trong nhiều năm qua phát triển “tự phát” và “cát cứ” không theo một quy hoạch tổng thể của nhà nước nên làm phân tán nguồn lực và không thể hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn ngành, khiến cho cung – cầu chưa gặp được nhau. 

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ngành nghề trong nước “khát” nhân lực chất lượng cao, chứ chưa nói đến nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc quyết liệt thực hiện chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động là rất quan trọng. 

Theo TS. Nguyễn Văn Thiện, Trưởng khoa Cơ khí, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trước đây, chúng ta hướng tới cung cấp nguồn nhân lực thị trường cần. Song tới nay, lĩnh vực đào tạo sẽ đặt mục tiêu cao hơn đó là phải đi trước một bước để đưa ra những "sản phẩm" thị trường sẽ cần. 

TS. Nguyễn Văn Thiện cho hay, để làm được việc đó, khoa cơ khí đã chủ động đẩy mạnh nghiên cứu tương tác giữa người và máy, ứng dụng phần mềm trong thiết kế và mô phỏng, thành lập các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ vật liệu, nano, các công nghệ tương lai... Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp công nghệ gia công chi tiết phức tạp trên trung tâm CNC 5 trục... để đưa vào đào tạo nhân lực, nhằm giúp người học có nền kiến thức về công nghệ và thực hành hiện đại nhất... 

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đào tạo nhân lực phải đi trước một bước. Để làm tốt việc này, các trường phải gắn kết hoạt động đào tạo với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp hay đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, việc dự báo nhu cầu thị trường cũng cần được đặc biệt quan tâm bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề hiện nay cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm trong xã hội. Do vậy, cần phải nắm bắt được những thay đổi này và có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động đào tạo. 

Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều cơ sở đào tạo ngành nghề của bộ, đội ngũ giảng viên còn mỏng và yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo, phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, lối mòn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn. Điều này đã dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong xu thế phát triển vũ bão và tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Như vậy, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao sẽ có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới... đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. 

TS. Nguyễn Văn Thiện cho rằng, việc đổi mới phương thức đào tạo trên cơ sở lấy người học làm trung tâm là rất quan trọng, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng điện tử; đổi mới hình thức thi và đánh giá theo chuẩn đầu ra, nâng cao năng lực làm việc và tính sáng tạo của người học. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cần phải có sự đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy. Việc nghiên cứu và đưa vào áp dụng phương thức tương tác mới giữa giảng viên với sinh viên theo hướng gợi mở khả năng sáng tạo, phát triển ý tưởng mới, xây dựng tính chủ động, khả năng tư duy logic, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp là hết sức cấp thiết. 

“Nhân lực chất lượng cao mà chúng ta đang nói đến sẽ không chỉ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà sẽ cần phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài. Mục tiêu trở thành nhà cung nguồn lực chất lượng cao cho thị trường lao động quốc tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục