Đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

21:10' - 26/05/2017
BNEWS Việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới
Đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Bộ Tài chính đang đề nghị điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức thuế tối thiểu bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng và mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành.

Thông tin này vừa được ông Nguyễn Đình Thi, Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tại cuộc họp báo giới thiệu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, vừa được tổ chức chiều ngày 26/5 tại Hà Nội.

Theo đó, ông Thi nêu rõ, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với mặt hàng xăng sẽ điều chỉnh từ mức 1.000 đồng đến 4.000 đồng/lít lên mức 3.000 đồng đến 8.000 đồng/lít (khung thuế này sẽ áp dụng cho lộ trình dài). Riêng đối với mặt hàng dầu hỏa, đề nghị giữ khung thuế bảo vệ môi trường như hiện hành là từ 300 đồng đến 2.000 đồng/lít, vì đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; đồng thời, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Ông Thi cũng cho biết, Bộ Tài chính cũng đề nghị bỏ quy định về thời điểm tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán.

Theo đó, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra. Đề xuất này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý thu thuế trong việc không phải tách riêng số thu thuế đối với xăng dầu nhập khẩu để điều tiết về ngân sách Trung ương, cũng như số thu thuế đối với xăng dầu sản xuất trong nước do các công ty kinh doanh xăng dầu bán ra để phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Ngoài ra, còn nhằm tránh thất thu ngân sách Nhà nước do các đơn vị lợi dụng kê khai nhập khẩu xăng dầu để bán, nhưng thực tế không bán ra mà chỉ dùng cho sản xuất hoặc dùng cho các mục đích khác...

Thay vào đó, Bộ Tài chính đề xuất, đối với xăng dầu nhập khẩu thì đơn vị nhập khẩu xăng dầu (gồm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối) phải khai, nộp thuế bảo vệ môi trường ngay tại khâu nhập khẩu. Số thu điều tiết về ngân sách Trung ương là 100%.

Đối với xăng dầu sản xuất trong nước thì các công ty sản xuất xăng dầu trong nước phải thực hiện khai, nộp thuế bảo vệ môi trường khi xuất bán các sản phẩm xăng dầu do công ty trực tiếp sản xuất.

Trên cơ sở tổng số thuế bảo vệ môi trường thu từ các công ty sản xuất xăng dầu trong nước, sẽ thực hiện chia cho các địa phương trên cơ sở sản lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ ở địa phương đó, sau đó phân bổ về ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương theo tỷ lệ từng thời kỳ ổn định ngân sách được Quốc hội phê duyệt.

Đánh giá về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện còn tồn tại một số vướng mắc như phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, hoàn thuế, khung thuế bảo vệ môi trường đối với một số hàng hóa và thời điểm tính thuế bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, còn nhằm thực hiện mục tiêu cải cách thuế bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế tài chính và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước trong giai đoạn tới; góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ và phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục