Để dòng vốn “chảy” vào nông nghiệp

21:47' - 26/08/2016
BNEWS Tái cơ cấu nông nghiệp được xem là bước đột phá làm thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua hơn 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới có tỉnh Đồng Tháp làm tốt công tác này. 

Đa phần các địa phương còn rất lúng túng trong việc quy hoạch vùng sản xuất, xác định sản phẩm thế mạnh và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chính vì thế nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng để đầu tư, phát triển nông nghiệp bền vững.

Vẫn vướng chính sách tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh các chính sách chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong vòng 3 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 44 văn bản chỉ đạo điều hành; trong đó có 24 văn bản chỉ đạo riêng các chương trình dành cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tái cơ cấu nông nghiệp được xem là bước đột phá làm thay đổi phương thức sản xuất.Ảnh: TTXVN

Ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cả nước và khu vực này phát triển sản xuất kinh doanh như: triển khai tích cực các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng; thực hiện chương trình tín dụng xanh; thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như: xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ; thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao...

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để giúp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát huy lợi thế, tiềm năng, đưa kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là cơ sở pháp lý nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, các ngành kinh tế, tính đến hết tháng 6/2016, tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt dư nợ khoảng 190.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 22%/ tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc. Vốn tín dụng chủ yếu cho vay vào lĩnh vực thủy sản, lương thực, chăn nuôi, rau quả...

Cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có, nhưng số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện còn rất hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp ước tính hiện chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này là vướng mắc về cơ chế chính sách; trong đó, vướng mắc lớn nhất là đất đai, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long chỉ sở hữu trung bình 0,7 ha/hộ thì rất khó áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn về vai trò của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Doanh nghiệp phải là yếu tố then chốt, là người dẫn dắt nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp

Theo ông Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, muốn thu hút được vốn đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững phải thực hiện các chính sách một cách đồng bộ.

Đối với quy hoạch, trong ngắn hạn, rà soát điều chỉnh quy hoạch các vùng tôm – lúa, lúa – hoa màu, chuyên lúa nhằm thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mekong; trung hạn cần xây dựng và ban hành quy hoạch lâu dài sử dụng đất toàn vùng nhưng phải có sự thống nhất cao giữa các ngành, các địa phương.

cần rà soát điều chỉnh, đầu tư hợp lý cho từng vùng sản xuất. Ảnh minh họa: Trung Hiếu-TTXVN

Cũng theo ông Đặng Kim Khôi, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, yếu kém cần rà soát điều chỉnh, đầu tư hợp lý cho từng vùng sản xuất. Nhưng việc đầu tư hạ tầng kênh mương, đường sá và hệ thống điện phải đáp ứng yêu cầu sản xuất đa canh, thích ứng được với biến đổi khí hậu.

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy nhanh đề án tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và cần thực hiện trên cơ sở liên kết vùng.

Đó là quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng, trên cơ sở gắn với cung – cầu thị trường; gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, Agribank sẽ có chính sách tín dụng phù hợp cho từng đối tượng khách hàng, nhằm hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các dự án, chương trình nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Agribank cũng sẽ chủ động hỗ trợ cho vay những khách hàng có đủ điều kiện và phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nông nghiệp phải tái cơ cấu, thay đổi cách thức và đổi mới, hướng đến nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế.

Nông nghiệp vừa phải đảm bảo an ninh lương thực, vừa là ngành hàng để nâng cao thu nhập của nông dân. Để làm được điều này không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển chính là hỗ trợ cho nông dân. Khi tháo gỡ được cơ chế, chính sách, dòng vốn sẽ “chảy” vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

>>> Đổi mới tư duy trong quản lý công trình thủy lợi

>>> Công khai thông tin các đơn vị nhập khẩu chất Salbutamol

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục