Dấu mốc quan trọng góp phần nâng cao vị thế Việt Nam

11:47' - 13/03/2018
BNEWS Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Australia là dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam khi hai nước chính thức nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Australia từ ngày 14-17/3/2018 và tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia từ 17-18/3/2018. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Australia từ ngày 14-17/3/2018 và tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia từ 17-18/3/2018.
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam khi hai nước chính thức nâng quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược đúng dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973-26/2/2018) và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia lần đầu tiên diễn ra tại Australia.
Quan hệ song phương phát triển nhanh, thực chất, hiệu quả
Australia, quốc gia nằm ở châu Đại Dương có diện tích lớn thứ 6 thế giới. Với khí hậu ôn hòa và tài nguyên thiên nhiên phong phú, Australia phát triển ổn định với dân số 24,8 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt trên 56 nghìn USD.
Từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009, ký Tuyên bố về quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường vào tháng 3/2015, quan hệ song phương Việt Nam-Australia phát triển nhanh, thực chất và khá hiệu quả.
Hai nước đã ký Chương trình Hành động giai đoạn 2016 – 2019, nhân chuyến thăm Australia của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Australia đánh giá Việt Nam là đối tác then chốt trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN, đề nghị hai bên đưa quan hệ hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược.

Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì thường xuyên như: Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng (lần thứ 5 ngày 27/9/2017 tại Canberra), Đối thoại Nhân quyền (lần thứ 13 vào tháng 8/2017 tại Canberra), Tư vấn Lãnh sự (lần thứ 12 vào tháng 5/2017 tại Canberra), Tham vấn cấp cao về viện trợ phát triển (tháng 4/2017), Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại - JTEC (11/2011); Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ (lần thứ nhất vào tháng 3/2016).
Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua việc trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh...

Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo gìn giữ hòa bình và rà phá bom mìn (năm 2016). Australia là nước duy nhất đặt đại diện thường trực tại Trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó hai bên thường xuyên trao đổi thông tin hợp tác chống khủng bố, buôn người, tội phạm ma túy...
Về kinh tế, thương mại, Australia hiện là bạn hàng lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng trung bình hơn 7% mỗi năm; năm 2017 đạt gần 6,5 tỷ USD (tăng 22,2% so với năm 2016).

Việt Nam xuất sang Australia hàng hóa giá trị trên 520 triệu USD hàng năm, tập trung vào các mặt hàng thủy sản, trong đó tôm đông lạnh chiếm 25%. Australia đã mở cửa cho quả vải, xoài, thanh long xuất sang thị trường nay. Việt Nam hiện đang thúc đẩy phía Australia cho phép nhập khẩu nhãn, chôm chôm, vú sữa và tôm sống nguyên con vào thị trường.
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến nay, Australia có 412 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,8 tỷ USD, đứng thứ 20/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 44 dự án đầu tư trực tiếp vào nước bạn với tổng giá trị đạt 387,1 triệu USD.
Australia cũng là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (đạt trên 110 triệu AUD/năm trong giai đoạn từ 2010 tới nay). Australia đã thông qua kế hoạch viện trợ giai đoạn 2015-2020 cho Việt Nam trị giá khoảng 90 triệu AUD, tập trung lĩnh vực cải cách kinh tế, nâng cao năng lực, bình đẳng giới và cải thiện sinh kế.
Giáo dục là lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước. Theo đó, phía Australia cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia, trong đó 90% theo diện tự túc. Bên cạnh đó, các trường đại học, học viện của hai nước đang có 18 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động.
Hai nước đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo bằng việc công bố chương trình Đối tác Đổi mới Việt Nam - Australia (Aus4Innovation) vào tháng 11/2017. Bên cạnh đó, Australia hỗ trợ thành lập và tài trợ “Trung tâm đổi mới sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Hà Nội nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Năm 2017, số lượng khách du lịch Australia đến Việt Nam là gần 370.500 lượt, tăng 15,5%, đứng thứ 7 trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu vào Việt Nam. Cộng đồng Việt kiều đang sinh sống tại Australia có số lượng khoảng 300.000 người, đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại nước này. Người Việt sống chủ yếu tại các bang Nam Australia, đông nhất là bang New South Wales và bang Victoria.
Trong lĩnh vực hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc. Hai bên đã có thỏa thuận về việc Việt Nam ủng hộ Australia làm thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018-2020; phía Australia ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và thành viên Hội đồng Điều hành Liên minh bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2017-2021.
Đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Australia
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia là Hội nghị Cấp cao đầu tiên giữa hai bên được tổ chức tại Australia. Hội nghị có chủ đề: “Tăng cường An ninh và Thịnh vượng ở khu vực” theo đề xuất của Thủ tướng Malcolm Turnbull nhằm tái khẳng định cam kết của nước này trong việc đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN trong giai đoạn mới.
Quan hệ ASEAN-Australia được thiết lập năm 1974. Australia là nước đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác đối thoại chính thức với ASEAN trên cả ba lĩnh vực: chính trị, kinh tế và hợp tác chuyên ngành. Năm 2014, hai bên đã tổ chức Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ, qua đó nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược. Hợp tác hai bên được Australia thúc đẩy trên cơ sở Kế hoạch hành động ASEAN-Australia giai đoạn 2015-2019.
Năm 2017, Australia công bố Sách trắng Đối ngoại đầu tiên trong vòng 14 năm. Sách gồm 8 chương về các vấn đề cục diện thế giới và khu vực, chính sách của Australia trong một thập kỷ tới với các đối tác, trong đó có ASEAN.

Theo đó, Sách trắng đánh giá ASEAN nằm ở vị trí trung tâm cạnh tranh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là khu vực có tác động sâu sắc đến tương lai của Australia. Thành công của ASEAN trong 50 năm qua đã góp phần thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Trong ASEAN, ngoài Việt Nam, Australia hiện mới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Singapore và Indonesia.
Về hợp tác chính trị-an ninh, Australia tham gia khá tích cực vào các diễn đàn, cơ chế khu vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF); ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Về hợp tác kinh tế, Australia là một đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của ASEAN. Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Australia (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu).

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN-Australia trong năm 2017 đạt gần 73 tỷ AUD (Đô là Australia). Đầu tư trực tiếp từ Australia vào ASEAN đạt 72.43 tỷ USD năm 2016, đứng thứ 6 trong danh sách các Nhà đầu tư vào ASEAN.
Về Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), hiện các bên đang tiến hành rà soát tổng thể nhằm củng cố hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các bên thông qua thúc đẩy thực thi hiệu quả các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường vận dụng ưu đãi; theo đó, năm 2018 sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn hai của tiến trình rà soát. Australia cũng tham gia tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong lĩnh vực hợp tác văn hóa xã hội, Australia dành ưu tiên cao và là một trong những đối tác tham gia hợp tác tích cực nhất với ASEAN trong lĩnh vực quản lý thiên tai. Nước này dành hơn 100 triệu AUD trong vòng 5 năm cho Kế hoạch Colombo mới nhằm hỗ trợ tăng cường hợp tác giáo dục và liên kết nhân dân giữa Australia và các nước ASEAN kể từ năm 2015; công bố chương trình ưu tiên mới “đầu tư cho phụ nữ” trị giá 46 triệu đô la Australia cho ASEAN; tăng gấp đôi suất học bổng cho sinh viên ASEAN học tập tại Australia trong năm 2017 lên hơn 1.500 suất.
Australia đã thành lập Hội đồng ASEAN-Australia nhằm tăng cường hợp tác của Australia với ASEAN thông qua các lĩnh vực thương mại, giáo dục, khoa học, nghệ thuật và giao lưu văn hóa.
Ngoài ra, Australia quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; trong đó có Sáng kiến đầu tư cho Phụ nữ, chương trình viện trợ tiên phong của Chính phủ Australia, trị giá 46 triệu AUD, nhằm trao quyền cho phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn trong các hoạt động kinh tế-xã hội tại các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; xây dựng khung chính sách; thiết lập các liên minh doanh nhân nữ… từ đó tạo môi trường thuận lợi để mở rộng cơ hội cho trẻ em gái.
Về hợp tác phát triển, Chính phủ Australia đã tài trợ kinh phí cho Chương trình hợp tác kinh tế ASEAN-Australia (AAECP) nhằm tăng cường hợp tác giữa Australia và ASEAN tại các lĩnh vực là ưu tiên phát triển trong khu vực. Đến nay, AAECP đang ở giai đoạn II cho giai đoạn từ 2008-2019 với tổng số tiền cam kết là 57 triệu AUD nhằm hỗ trợ ASEAN thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Australia cũng khẳng định hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách, xây dựng cộng đồng; thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn III của Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI WP3), giảm nghèo tại khu vực Mê Công thông qua các dự án phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng kết nối như Sáng kiến Doanh nghiệp Mê Công, Chương trình nguồn nước Mê Công mở rộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục