Đánh thức tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười - Bài 3: Sản xuất theo hướng “chung sống với lũ”

08:49' - 19/10/2017
BNEWS Nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở vùng Đồng Tháp Mười có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là nuôi cá da trơn, nuôi tôm càng xanh…

Nhiều năm nay, tỉnh Đồng Tháp đã chú ý đến thế mạnh này trong nỗ lực chuyển đổi sản xuất theo hướng “chung sống với lũ”, tạo ra nguồn nông sản hàng hóa chất lượng có giá trị kinh tế hướng đến xuất khẩu, giúp nông dân an cư lạc nghiệp.

Theo khảo sát, vùng có khả năng thích nghi cao cho nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá da trơn xuất khẩu quy mô lên đến 3.900 ha, tập trung ở Đồng Tháp và Tiền Giang.

Nuôi cá tra theo mô hình liên kết của Công ty TNHH Hùng Cá ở huyện Thanh Bình , tỉnh Đồng Tháp. Ảnh : Nguyễn Văn Trí – TTXVN

Theo ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, năm 2017, tỉnh Đồng Tháp đã thả nuôi hơn 1.054 ha cá tra. Đến tháng 10/2017 tỉnh thu hoạch hơn 365.000 tấn cá tra thương phẩm.

Giá cá tra hiện nay khoảng 27.000 đồng/kg, tăng khoảng 8.000 đồng/kg so năm 2016. Người nuôi có lãi từ 6.000 đồng – 7.000 đồng/kg, góp phần cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tăng thêm nguồn thu.

Đặc điểm nghề nuôi cá tra tại Đồng Tháp là nuôi tập trung, theo mô hình liên kết, không manh mún, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn Global GAP, Viet GAP, BAP và ASC, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến xuất khẩu.

Theo báo cáo của Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích nuôi cá tra áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn đạt hơn 809 ha với các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC. Còn theo số liệu Sở Công Thương Đồng Tháp, toàn tỉnh có 20 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất thiết kế hơn 467.000 tấn thành phẩm/năm; ước sản lượng cá tra chế biến 8 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 180 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 500 triệu USD.

Phấn khởi nhất cho các cơ sở nuôi, chế biến xuất khầu cá tra là năm nay thuận lợi hơn do đa số các doanh nghiệp đã tự chủ động hơn 60% diện tích nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Mô hình liên kết là giải pháp hiệu quả nhất trong nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp, vừa chủ động nguồn nguyên liệu, vừa đảm bảo chất lượng theo thị trường nước ngoài, đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Hùng Cá tham gia chương trình “Vay vốn thực hiện chương trình thí điểm mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra”. Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc công ty cho biết, hàng năm công ty tiêu thụ 400 triệu con cá giống.

Công ty liên kết với 326 hộ nông dân nuôi cá tra với diện tích 416 ha thông qua 2 hình thức là doanh nghiệp đầu tư ao nuôi, cá giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hướng dẫn kỷ thuật, quản lý ao nuôi và hộ nuôi chỉ có công nuôi cá mà không cần đầu tư vốn.

Ngoài ra, hộ dân đầu tư ao nuôi cá, cá giống, thức ăn giai đoạn cá còn nhỏ, thuốc thú y thủy sản, nhân công, còn công ty đầu tư thức ăn lúc cá lớn, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý ao nuôi, thu mua cá nguyên liệu theo giá thị trường.

Ngoài Công ty TNHH Hùng Cá, nhiều doanh nghiệp khác cũng áp dụng mô hình liên kết như trên với nông dân như Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hoàng Long và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn… Ưu điểm của các doanh nghiệp nuôi là sản xuất tập trung, không manh mún, doanh nghiệp có thể triển khai các giải pháp sản xuất theo hướng hiện đại như Global GAP, Viet GAP... Các công ty, doanh nghiệp xây dựng một hệ thống “vệ tinh” trong vùng bằng cách ký kết hợp đồng với người nuôi.

Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, không thiếu nguyên liệu, tránh tình trạng rớt giá, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định quy hoạch 14 vùng nuôi và sản xuất cá tra giống đến năm 2020 trên diện tích 2.000 ha.

Theo quy hoạch chế biến cá tra đến năm 2020, tỉnh không gia tăng về công suất chế biến mà tập trung vào đổi mới dây chuyền công nghệ hiện có theo hướng hiện đại, nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, quyết tâm đạt tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng từ 8% đến 12% năm 2015 lên 15% đến 20% đến năm 2020.

Ngoài con cá tra, Đồng Tháp còn quan tâm đến nghề nuôi cá đồng mùa lũ tạo thêm sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Lợi thế của sản phẩm cá đồng là điều kiện sinh thái, nguồn thức ăn tự nhiên và gần thị trường Tp. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ. Nuôi cá đồng phù hợp với các hệ thống canh tác sản xuất lúa, gạo sinh thái hữu cơ kết hợp với sen hoặc tràm. Nuôi cá đồng còn gắn kết với chế biến tạo ra những sản phẩm đa dạng như cá đóng hộp, làm khô...

Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, để phát huy tiềm năng nuôi cá đồng trong Đồng Tháp Mười, trước mắt, cần rà soát, đánh giá lại các công trình thủy lợi trong vùng.

Theo đó, cần có những công trình tầm cỡ phục vụ chung cho nông dân không chỉ ở vùng Đồng Tháp mà ở cả các địa phương liên quan như Tiền Giang, Long An,.. cùng chung tay xây dựng chuỗi giá trị các mặt hàng thế mạnh chung của vùng như: cá rô phi, ếch, cá sặc rằn để tạo thương hiệu cho vùng Đồng Tháp Mười gắn kết với phát triển du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch, UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc phát triển tiềm năng nuôi trồng thủy sản nước ngọt phục vụ chuyển đổi sản xuất “chung sống với lũ” là hết sức cần thiết. Do vậy, để nâng cao hiệu quả, tính khả thi phải ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nông nghiệp.

Từ đó, tạo động lực để phát triển nền nông nghiệp thông minh, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, bao bì, đóng gói sản phẩm và làm rõ giá trị tăng thêm trong nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười thời kỳ hội nhập.

Vấn đề quan tâm chính ngành hàng cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói riêng là còn tồn tại một số điểm yếu và thách thức như: sản phẩm xuất khẩu cá tra tập trung nhiều vào cá phi lê nên thiếu sự đa dạng về mặt hàng; công nghệ chế biến chưa đổi mới và đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường…

 Thu hoạch tôm càng xanh tại Hợp tác xã tôm Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Để liên kết vùng Đồng Tháp Mười phát triển bền vững, mới đây, lãnh đạo 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang đã thống nhất triền khai đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, mục tiêu nhằm tăng nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, tiên tiến, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Sự phát triển tiểu vùng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông, thủy sản; nguồn nước cho các địa phương trong vùng.

Đồng thời, tạo sự thống nhất trong liên kết quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh; quản lý tài nguyên bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế; khai thác hợp lý tiềm năng và thế mạnh của Tiểu vùng.

Trọng tâm của liên kết thông qua phát triển hệ thống chuỗi giá trị ngành hàng nông sản đặc trưng cho 3 sản phẩm lúa gạo, trái cây, thủy sản và có thương hiệu; phát triển dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có liên quan. Bên cạnh đó, bảo tồn và khai thác hợp lý đa dạng sinh học, hệ sinh thái đất ngập nước và rừng tràm, thông qua quy hoạch hệ sinh thái rừng tràm Đồng Tháp Mười, trữ nước ngọt và phát huy giá trị dịch vụ hệ sinh thái./.

>>> Đánh thức tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười - Bài 1: Chuyên canh nơi vùng lũ

>>> Đánh thức tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười - Bài 2: Phát triển nông nghiệp bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục