Đánh giá về quan hệ đối tác kinh tế giữa EU và Nhật Bản

06:30' - 18/07/2017
BNEWS Các bên khẳng định mối quan hệ đối tác kinh tế được thành lập phù hợp với các giá trị dân chủ chung, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu, mở cửa và công bằng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters

Về nguyên tắc, quyết định về thỏa thuận này đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố ngày 6/7 vừa qua tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ.

Trang mạng của Viện nghiên cứu Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế Primakov, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, có bài viết về sự kiện Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) sắp ký thỏa thuận về Quan hệ Đối tác Kinh tế Song phương (JEFTA), hay được hiểu là việc thiết lập khu vực thương mại tự do EU-Nhật Bản. 

Trong tuyên bố chung về việc thành lập quan hệ đối tác chiến lược, các bên khẳng định mối quan hệ này được thành lập phù hợp với các giá trị dân chủ chung, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu, mở cửa và công bằng. 

Như đã được trình bày tại Brussels, JEFTA sẽ là thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử EU, đồng thời thỏa thuận này cũng ràng buộc các bên với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Rõ ràng, thỏa thuận này có ý nghĩa đối với từng thành viên tham gia. Đối với Nhật Bản, EU là đối tác thương mại quan trọng thứ 3, còn đối với EU, Nhật Bản xếp vị trí thứ 6 về trao đổi thương mại. 

Cả hai bên đều nhấn mạnh JEFTA sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho nền kinh tế các quốc gia thành viên EU và Nhật Bản. Sau khi gỡ bỏ các rào cản thương mại, theo ước tính sơ bộ, xuất khẩu của các nước EU sang Nhật Bản sẽ tăng khoảng 33%, và ngược lại, xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường EU sẽ tăng 23,5%.

Người dân châu Âu sẽ nhận được những lợi ích cụ thể đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản và các sản phẩm dinh dưỡng. 

Các loại thuế nhập khẩu hàng hóa vào Nhật Bản trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ được gỡ bỏ khoảng 85% đối với các mặt hàng xuất khẩu nông sản truyền thống, cụ thể là rượu vang, thịt lợn đã qua chế biến, nhiều loại pho mát, và dần dần cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu thịt bò.

Tokyo cũng chấp nhận và đảm bảo giữ nguyên thương hiệu các sản phẩm trên lãnh thổ của mình, giống như ở châu Âu, ví dụ như pho mát Roquefort, giăm bông Ardennes, rượu vodka Ba Lan và nhiều sản phẩm khác. Giai đoạn chuyển tiếp có thể kéo dài tới 15 năm, bao gồm cả việc mở thị trường cho các sản phẩm thức ăn đơn lẻ, bao gồm các mặt hàng sữa, vốn rất khó khăn ở thị trường Nhật Bản.

Để đổi lấy việc tự do hóa thị trường đối với mặt hàng thực phẩm, Nhật Bản cũng nhận lại những lợi thế đáng kể: sau giai đoạn chuyển tiếp khoảng 7 năm, Nhật Bản sẽ được tự do tiếp cận thị trường ô tô của EU. 

Theo đài NHK, Hàn Quốc đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) với EU và dỡ bỏ thuế quan, do đó JEFTA sẽ giúp Nhật Bản không còn bất lợi khi cạnh tranh với Hàn Quốc.

Thỏa thuận xem xét tự do hóa dịch vụ thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, giao thông vận tải, thương mại điện tử. 

Các công ty châu Âu sẽ được tiếp cận thị trường để cung cấp hàng hóa cho 48 thành phố lớn nhất của Nhật Bản và tất nhiên là các công ty này sẽ được gỡ bỏ các rào cản tại thị trường Nhật Bản trong việc cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực giao thông đường sắt, vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường nội địa.

 JEFTA cũng xem xét đưa ra các tiêu chuẩn khá cao và hiện đại trong lĩnh vực quan hệ lao động, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và dữ liệu cá nhân. Một chương riêng biệt trong văn bản này được dành để nói về phát triển bền vững. 

Brussels cũng đã chấp thuận bằng văn bản phần lớn các nội dụng của thỏa thuận về đối tác kinh tế trong thời gian tới. Cùng với đó, các bên đang hoàn thiện một số chi tiết kỹ thuật khác.

Tuy nhiên vẫn tồn tại một số điểm cần giải quyết trước khi JEFTA có hiệu lực. Ví dụ, về thủ tục giải quyết bất đồng liên quan đến đầu tư, Nhật Bản ủng hộ việc sử dụng cơ chế giải quyết bất đồng giữa quốc gia và nhà đầu tư (ISDS) như trong TPP. Nhưng EU muốn sử dụng hệ thống tòa án đầu tư (ICS).

Nhận xét về ý nghĩa của JEFTA, ông Sugawara Junichi, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho cho rằng việc Nhật Bản được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường EU, với 500 triệu dân và tổng GDP toàn khối lên tới 16.000 tỷ USD, và sự liên kết kinh tế khổng lồ EU-Nhật Bản sẽ tiếp thêm động lực cho kinh tế của “xứ sở hoa anh đào”. 

Bên cạnh đó, khuôn khổ hợp tác này sẽ thúc đẩy việc thiết lập quy chuẩn toàn cầu. Ví dụ như Nhật Bản và EU sẽ cùng xây dựng tiêu chuẩn cho ô tô và các sản phẩm hoá chất, hoặc đề ra quy định, luật lệ trong các lĩnh vực mới và chúng có thể được thúc đẩy ở cấp độ quốc tế.

Mặt khác, theo ông Junichi, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản đứng trước ngã ba đường trong lựa chọn chiến lược thương mại. 

Do đó, việc xúc tiến JEFTA với EU là bước đi mới trong chiến lược thương mại của Nhật Bản, điều này được hi vọng sẽ giúp thúc đẩy đối thoại kinh tế Nhật - Mỹ, hoặc đóng vai trò khởi động, thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa 11 nước thành viên còn lại sau khi Mỹ rút khỏi TPP để thỏa thuận này có thể có hiệu lực.

Qua nội dung của thỏa thuận toàn diện, có thể thấy JEFTA sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp xuống mức như trong TPP. Trong một số lĩnh vực, ví dụ như ngành pho mát, mức thuế quan đề ra trong thỏa thuận thấp hơn so với TPP. 

Theo ông Junichi, kết quả đó là do hai bên cùng nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của các thỏa thuận thương mại tự do khác trong tương lai.

Quá trình đàm phán JEFTA đã bắt đầu từ mùa Xuân 2013 và trong một thời gian khá dài không thu hút được sự chú ý bởi trên thực tế, cùng thời điểm đó cũng diễn ra quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU với Mỹ và Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) giữa EU với Canada. 

Tuy nhiên, việc công bố đã đạt được trên nguyên tắc thỏa thuận đối tác chiến lược này diễn ra trong thời điểm cũng rất quan trọng đối với các bên - ngay trước thềm khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg (Đức).

Do đó, TokyoBrussels đã gửi đi một thông điệp khá rõ ràng đến lãnh đạo các quốc gia G20 về quyết tâm bảo vệ thương mại tự do, các tiêu chuẩn cao và hiện đại, cũng như việc phản đối chủ nghĩa bảo hộ. 

Bình luận việc đạt được thỏa thuận với EU một cách tương đối nhanh chóng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh Nhật Bản bắt buộc phải nỗ lực để bảo vệ thương mại tự do nhằm đáp trả lại làn sóng chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.

Cũng cần lưu ý rằng cả EU và Nhật Bản đều đang tham gia tích cực vào các liên minh thương mại lớn nhất hiện nay. 

EU trong những năm gần đây đang tích cực đàm phán với Mỹ về TTIP, tiếp tục các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Nhật Bản đang tham gia TPP, cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) hứa hẹn sẽ được ký kết trong năm nay.

Các văn bản cuối cùng của JEFTA đang được chuẩn bị hoàn thiện để ký vào cuối năm 2017, sau đó bắt đầu các thủ tục phê chuẩn tài liệu. JEFTA sẽ có hiệu lực không trước năm 2019. 

Việc ra đời của hiệp định đối tác kinh tế thương mại mới giữa hai người chơi chính và quan trọng trong nền kinh tế thế giới với tổng dân số 639 triệu người và chiếm khoảng 30% tổng sản lượng kinh tế thế giới sẽ có tác động tích cực tới thương mại quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục